Hồ Gươm là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội. Tên hồ gắn liền với truyền thuyết Rùa Vàng đòi lại gươm thần mà Long Quân đã cho Lê Lợi mượn để đánh tan quân xâm lược nhà Minh, đem lại thái bình cho đất nước. Truyền thuyết “Sự tích Hồ Gươm” là một trong những tác phẩm tiêu biểu có cốt lõi lịch sử ca ngợi cuộc kháng chiến chính nghĩa chống giặc Minh do Lê Lợi lãnh đạo đồng thời lí giải tên gọi hồ Gươm.
Truyền thuyết “Sự tích Hồ Gươm” có hai câu chuyện vừa lồng ghép vừa tách bạch với nhau: câu chuyện mượn gươm và câu chuyện trả gươm. Chúng có nội dung riêng nhưng đồng thời bổ sung ý nghĩa cho nhau để khẳng định ý nguyện đoàn kết, khát vọng hòa bình của dân tộc ta.
Ở câu chuyện mượn gươm, tác giả dân gian đã miêu tả hoàn cảnh mượn gươm vô cùng đặc biệt. Vào thủa ấy, giặc Minh lấy cớ phù Trần diệt Hồ mà thực chất là sang xâm chiếm, đô hộ nước ta. Cuộc sống của nhân dân vô cùng khổ cực, bị quân Minh chèn ép, bức hại. Trước tình cảnh lầm than của nhân dân, một người tủ trưởng tên là Lê Lợi đã dấy binh khởi nghĩa. Nhưng buổi ban đầu nghĩa quân còn yếu, nhiều lần bị đánh lui. Thấy vậy, đức Long Quân bèn cho Lê Lợi mượn gươm thần. Nhưng cách Long Quân cho mượn gươm cũng hết sức đặc biệt, ngài không đưa tận tay cho Lê Lợi mà phải trải qua một quá trình gian nan. Long Quân cho gươm mắc vào lưới đánh cá của Lê Thận (một người dưới trướng của Lê Lợi) ba lần, Lê Thận lần nào cũng gỡ lấy gươm rồi vứt trở lại sông, qua khúc sông khác thả lưới lại vẫn vớt được lưỡi gươm ấy. Thấy sự lạ, Lê Thận bèn mang gươm trở về. Còn chuôi gươm lại là do vị chủ tướng Lê Lợi lấy được trên ngọn cây đa. Cách cho mượn gươm của Long Vương cho thấy rằng đây là thanh gươm thần, bởi vậy không thể trao theo một cách thức dễ dàng mà phải vượt qua thử thách mới có được nó. Không chỉ vậy, hình ảnh lưỡi gươm và chuôi gươm được tìm thấy ở hai địa điểm khác nhau (dưới nước, trên rừng) cũng cho thấy muốn đánh lại kẻ thù thì toàn dân ta phải đoàn kết, hợp nhất, chỉ có như vậy mới tạo nên sức mạnh to lớn đánh đuổi kẻ thù. Gươm có chữ “Thuận thiên”, điều đó cho thấy cuộc khởi nghĩa chính nghĩa; hợp ý trời, lòng dân; được thần linh ủng hộ, cũng như lời của Lê Thận khẳng định: “Đây là thần linh có ý phó thác cho mình làm việc lớn. Chúng tôi nguyện đem xương thịt của mình theo minh công và thanh gươm này để báo đền xã tắc”. Và quả nhiên, từ khi có được gươm thần, sức mạnh của nghĩa quân ngày càng lớn mạnh, chẳng mấy chốc đã đánh lui được quân địch, khiến chúng phải rút lui về nước. Sức mạnh của thanh kiếm cũng là minh chứng cho ta thấy sức mạnh của tinh thần đoàn kết. Dưới sự lãnh đạo anh minh, sáng suốt của Lê Lợi, sự đồng lòng nhất chí của toàn dân thử thách nào cũng có thể vượt qua, kẻ thù nào cũng có thể đánh thắng.
Vậy còn câu chuyện Lê Lợi trả lại gươm thần diễn ra như thế nào? Trước tiên là hoàn cảnh trả gươm. Khi quân Minh thảm bại phải trở về nước, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của chủ tướng Lê Lợi đã hoànn thành sứ mệnh cứu nước, nhân dân ta được hưởng cuộc sống ấm no, yên bình. Một năm sau, Long Quân sai Rùa Vàng lên đòi lại gươm thần. Long Quân không đòi lại gươm ngay lúc quân ta giành chiến thắng mà phải một năm sau, bởi lúc này nước nhà mới ổn định, kinh tế quân sự đã được phục hồi và ngày càng vững mạnh. Chi tiết trả gươm đã thể hiện ước vọng hòa bình của dân tộc ta, đồng thời đây cũng là lời nhắc nhở, cảnh báo đối với những kẻ thù còn đang lăm le xâm lược nước ta. Hình ảnh Rùa Vàng hiện lên giữa hồ đớp lấy thanh kiếm rồi lặn xuống hồ sâu, mặt hồ vẫn le lói những ánh sáng. Đây là một chi tiết kì ảo mang tính thiêng liêng, huyền bí. Đồng thời chi tiết này cũng để giải thích tên gọi hồ Hoàn Kiếm (hồ trả gươm). Hồ Hoàn Kiếm gắn liền với chi tiết mang tính huyền bí đã góp phần thiêng liêng hóa một địa danh lịch sử.
Với sự kết hợp hài hòa các yếu tố li kì, huyền bí với các yếu tố lịch sử, truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm đã giải thích nguồn gốc ra đời của tên gọi Hồ Gươm. Truyền thuyết cũng ca ngợi, tôn vinh tính chất chính nghĩa, tính chất nhân của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Tên hồ Hoàn Kiếm đồng thời cũng dùng để đánh dấu chiến thắng của dân tộc, thể hiện ước mơ, khát vọng hòa bình của nhân dân.
Đọc truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm, ta không chỉ được sống lại những năm tháng gian lao và anh dũng của ông cha ta thuở “bình Ngô” mà còn được bồi đắp, nâng cao thêm niềm tự hào dân tộc, được chiêm ngưỡng những di tích lịch sử, văn hóa trên cố đô Thăng Long. Truyền thuyết “Sự tích Hồ Gươm” sẽ sống mãi trong tâm thức người Việt với bao niềm tự hào, tự tôn dân tộc giống như lời thơ:
“Hoàn Kiếm danh lừng rạng cõi mây
Vua Lê gươm trả chính nơi này
Giặc Minh bạo phát ngày xâm lược
Nam quốc thanh bình buổi thoát vây
Đuổi hết gian tà sông núi vững
Gom về phước hạnh nước nhà xây
Ngàn năm con cháu hoài ơn nghĩa
Bình định sơn hà mãi nhớ đây”
(Khuyết danh)