Phân tích văn bản “Thánh Gióng”

DÀN Ý
I. Nêu vấn đề:
– Giới thiệu chủ đề: đánh giặc cứu nước thắng lộ là chủ đề lớn, xuyên suốt lịch sử văn học Việt Nam nói chung, văn học dân gian nói riêng. Truyền thuyết “Thánh Gióng” là truyện truyền thuyết tiêu biểu cho chủ đề này
– Giới thiệu về truyền thuyết “ Thánh Gióng: là truyền truyền thuyết, thể hiện sự ngợi ca, tôn vinh của nhân dân ta đối với các bậc tiền nhân trong lịch sử.
II. Giải quyết vấn đề
1. Nhân vật Thánh Gióng
a. Sự ra đời của Thánh Gióng
– Sự ra đời bình thường: Con hai vợ chồng ông lão chăm chỉ làm ăn và phúc đức.
– Sự ra đời khác thường:
+ Một hôm bà ra đồng, trông thấy một vết chân to hơn vết chân người thường.
+ Bà ướm thử vết chân, không ngờ về nhà đã thụ thai.
+ mười hai tháng sau sinh một cậu bé khôi ngô tuấn tú. Chú bé lên ba tuổi mà vẫn không biết nói, biết cười, chẳng biết đi, cứ đặt đâu thì nằm đấy.
Sự ra đời kì lạ của Gióng làm nổi bật tính chất khác thường, hé mở rằng Gióng không phải là đứa trẻ bình thường như bao đứa trẻ khác. Điều này nằm trong mối liên kết xuyên suốt VB truyền thuyết kể về người anh hùng: ra đời khác thường, kì lạ- lập nên những chiến công phi thường- và sau đó từ giã cuộc đời cũng theo một cách không giống người bình thường. Chi tiết “Vết chân to” nơi đồng ruộng tạo sự tò mò. Ai là chủ nhân của vết chân ấy. Hẳn đó không phải là người bình thường. Hẳn vết chân ấy phải của người khổng lồ, có sức mạnh phi thường, vết chân của một vị thần. Đó là sức mạnh vô hạn, bí ẩn của tự nhiên được hình tượng hóa. Trong văn học dân gian, ở một số truyền thuyết đã gắn vết chân này với hình tượng ông Đổng Thiên Vương là thần sấm, có thân hình khổng lồ, thích đi hái cà, mỗi lần đi lại để lại vết chân khổng lồ (theo Nguyễn Đổng Chi). Một trong những cách mà tác giả dân gian thường dùng để khi thần thánh hóa người anh hùng đó là gắn kết họ với sức mạnh của tự nhiên.
Sự ra đời của Thánh Gióng kì lạ, khác thường. Nhưng Gióng xuất thân bình dị, gần gũi – người anh hùng của nhân dân.
b. Sự lớn lên của Thánh Gióng
*Tiếng nói đầu tiên, Gióng xin đi đánh giặc.
– Câu nói đầu tiên của chú bé: ”Ông về tâu với vua, đúc cho ta một con ngựa sắt, làm cho ta một bộ áo giáp bằng sắt, rèn cho ta một cái roi cùng bằng sắt, ta nguyện phá tan lũ giặc này”. Câu nói thể hiện rõ ý thức cứu dân của Thành Gióng. Nói như Lê Trí Viễn, một nhà phê bình văn học: không nói là để bắt đầu nói, nói lời yêu nước, lời cứu nước”. Câu nói của Gióng sử dụng yếu tố kì ảo, một đặc trưng của truyền thuyết. Cậu bé làng Phù Đổng ra đời một cách khác thường (trong hoàn cảnh chiến tranh) báo hiệu cậu sẽ thực hiện nhiệm vụ lịch sử. Khi thực hiện thời điểm lịch sử đến thì cậu sẽ cất tiếng nói đầu tiên. Đó là tiếng nói thực hiện nhiệm vụ đánh giặc cứu nước, cứu dân. Đó cùng là dấu mốc quan trọng đánh dấu một cá nhân được tham gia vào công việc,thử thách của cả cộng đồng. Tác giả dân gian ca ngợi lòng yêu nước tiềm ẩn, nguyện vọng, ý thức tự nguyện đánh giặc cứu nước, yêu nước tạo khả năng kì lạ. Đó cùng là sức mạnh tự cường và niềm tin chiến thắng.
– Gióng đòi roi sắt, ngựa sắt, áo giáp sắt cho thấy đã có vũ khí lợi hại để giết giặc. Chi tiết thể hiện mơ ước có vũ khí thần kì. Đó còn là thành tựu văn hoá, kĩ thuật thời Hùng Vương. Nhân dân đã có sự tiến bộ, đã rèn sắt, đúc đồng phục vụ nhu cầu cuộc sống và chống giặc.
*Bà con dân làng góp gạo nuôi Gióng.
– Gióng lớn nhanh như thổi, bà con góp gạo nuôi Gióng ->Tinh thần đoàn kết cộng đồng. Đánh giặc cứu nước là ý chí, sức mạnh toàn dân. Gióng lớn lên bằng cơm gạo của nhân dân. Sức mạnh của Gióng là sức mạnh của cả cộng đồng, toàn dân chung sức, đồng lòng đánh giặc. Đó là tinh thần đoàn kết dân tộc.
c. Thánh Gióng đánh giặc và bay về trời
* Chú bé vươn vai trở thành tráng sĩ oai phong lẫm liệt.
– Sự lớn dậy phi thường về thể lực của Gióng để đáp ứng yêu cầu cứu nước.
– Gióng mặc áo giáp sắt, cầm roi sắt, cưỡi ngựa sắt … đánh hết lớp này đến lớp khác. ->Đó là vẻ đẹp dũng mãnh của người anh hùng theo cái nhìn lí tưởng hoá của nhân dân.
*Ngựa sắt phun lửa, roi sắt quật vào giặc chết như ngả rạ và những bụi tre bên đường quật giặc tan vỡ.
– Con ngựa sắt của làng Phù Đổng mang nhiều đặc điểm kì ảo: có thể hí vang lên mấy tiếng, phun lửa, bay về trời.
– Roi sắt quật vào giặc, giặc chết như ngả rạ. Sau khi roi sắt gãy thì tráng sĩ nhổ tre cạnh đường quật vào lũ giặc. Giặc tan vỡ. Đám tàn quân giẫm đạp lên nhau mà trốn thoát.
+ Việc thần kì hóa vũ khí bằng sắt của Thánh Gióng là một chi tiết có ý nghĩa biểu tượng, ngợi ca thành tựu văn minh của người Việt cổ ở thời đại Hùng Vương. Ở thời đại mà xã hội có nhiều đổi thay lớn về công cụ sản xuất và vũ khí chiến đấu. Chi tiết này còn cho thấy đã có nhiều người, đặc biệt là những người thợ rèn, người thợ thủ công anh hùng, đã góp công vào việc ra trận và đánh giặc của Thánh Gióng. Công sức ấy không chỉ thể hiện những vất vả ngày đêm, mà còn là sự nỗ lực vượt qua khó khăn, đúc kết kinh nghiệm.
+ Roi sắt gẫy, Gióng nhổ tre bên đường đánh giặc. Thánh Gióng đánh giặc không chỉ bằng vũ khí mà còn bằng cả cỏ cây của đất nước. Trong qua trình đánh giặc, có sự tham gia giúp sức của nhiều người, trong đó có những yếu tố thuộc về thiên nhiên, điều kiện của đất nước.
*Tráng sĩ đánh giặc xong, cởi áo giáp sắt bỏ lại và bay về trời.
– Người anh hùng vô tư, trong sáng, không màng địa vị, công danh.
– Sự ra đi phi thường là ước muốn bất tử hoá Thánh Gióng.
Đánh giá về ý nghĩa của hình tượng Gióng:
– Thánh Gióng là biểu tượng rực rỡ của người anh hùng đánh giặc, cứu nước.
+ Thánh Gióng mang sức mạnh của cả cộng đồng ở buổi đầu dựng nước: sức mạnh vô hạn của thiên nhiên, đất nước; sức mạnh của ý chí lòng dân (nhữn người thơ anh hùng, những người nông dân anh hùng, những người binh lính anh hùng…
2. Chi tiết hoang đường kì ảo:
* Chi tiết hoang đường kì ảo, hư cấu (không có thật) là hình thức nghệ thuật đặc trưng cơ bản của truyền thuyết. Chi tiết kì ảo trải trong cả câu chuyện:
+ Sự ra đời của Gióng: bà mẹ ướm vết chân lạ, về thụ thai. Tiếng nói đầu tiên là đòi đi đánh giặc.
+ Gióng lớn nhanh như thổi, vươn vai thành tráng sĩ.
+ Tráng sĩ nhổ tre quật vào lũ giặc
+ Đánh giặc xong, cả người lẫn ngựa bay về trời.
* Ý nghĩa: thông qua sự hư cấu, thần kì, sự tưởng tượng kì ảo, tác giả dân gian muốn gửi gắm tư tưởng, tình cảm của mình với nhân vật Thánh Gióng và sự kiện đánh giặc cứu nước:
– Tác giả dân gian ca ngợi phẩm chất của Thánh Gióng như có lòng yêu nước, có ý chí, quyết tâm, có sức mạnh, trong sáng, vô tư. Nhấn mạnh sự ra đời thần kì, chiến công phi thường và hóa thân bất tử của người anh hùng .
– Ca ngợi tinh thần yêu nước, đoàn kết của nhân dân và gửi gắm ước mơ về người anh hùng cứu nước.
3. Các chi tiết liên quan đến sự thật lịch sử:
Vị trí của các chi tiết có thật: Cơ sở lịch sử, cốt lõi lịch sử trong truyện truyền thuyết chính là bối cảnh, chất liệu là nên đặc trưng của truyện truyền thuyết nói chung và truyện Thánh Gióng nói riêng
* Câu chuyện được đặt trong hoàn cảnh cụ thể:
– Thời gian: “Đời Hùng Vương thứ 6”.
– Địa điểm: “Tại làng Gióng”.
Hoàn cảnh ấy cho biết sự thật lịch sử:
– Đã có những cuộc chiến tranh ác liệt diễn ra giữa dân tộc ta và giặc ngoại xâm từ phương Bắc (giặc Ân).
– Người Việt thời bấy giờ đã chế tạo ra vũ khí bằng sắt, thép.
– Người Việt cổ đã cùng đoàn kết đứng lên chống giặc ngoại xâm, dùng tất cả các phương tiện để đánh giặc.
* Lời kể: Hiện nay, vẫn còn đền thờ ở làng Phù Đổng, tục gọi là làng Gióng. Mỗi năm tháng tư làng mở hội to lắm
* Dấu tích
– Đền thờ Phù Đổng Thiên Vương
– Bụi tre đằng ngà
– Ao hồ liên tiếp
– Làng Cháy
* Ý nghĩa:
– Nhân dân ta tin rằng Thánh Gióng là người anh hùng có thật, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, niềm tự hào về sức mạnh thần kì của một dân tộc trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Nhân dân ta bày tỏ ước mơ có một người anh hùng đánh giặc cứu nước.
– Đây cũng là một thi pháp của truyện truyện thuyết. Người kể muốn tạo niềm tin ở người đọc, tăng tính xác thực cho câu chuyện. Đồng thời, tác giả dân gian làm tăng thêm vẻ đẹp linh thiêng, hấp dẫn cho nhân vật. Gắn lịch sử với phong tục, địa danh nhằm biểu đạt ý nghĩa thiêng liêng: phong tục, địa danh hay các sản vật tự nhiên được “lịch sử đặt tên” , được “sinh ra” một lần nữa, nhớ những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước của nhân dân.

3/ Đánh giá khái quát
a/ Nghệ thuật:
– Chi tiết tượng tượng kì ảo.
– Khéo kết hợp huyền thoại và thực tế (cốt lõi sự thực lịch sử với những yếu tố hoang đường).
– Lời kể cô đọng, trang trọng.
b/ Nội dung, ý nghĩa:
* Nội dung: Truyện ca ngợi công lao đánh đuổi giặc ngoại xâm của người anh hùng Thánh Gióng, qua đó thể hiện ý thức tự cường của dân tộc ta.
* Ý nghĩa: Hình tượng Thánh Gióng là biểu tượng rực rỡ của lòng yêu nước, sức mạnh phi thường, quyết tâm, tinh thần đoàn của dân tộc. Truyền thuyết thể hiện ước mơ của nhân dân về người anh hùng đánh giặc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *