Phân tích vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ Nhàn

Đề bài : Vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài thơ Nhàn (Triết lí nhàn trong bài thơ)

Nguyễn Bỉnh Khiêm  là một nhà thơ lớn của dân tộc, thơ ông mang đậm tính triết lí, giáo huấn, ngợi ca chí khí của kẻ sĩ, thú thanh nhàn đồng thời phê phán những điều xấu xa trong xã hội. “Nhàn” là bài thơ Nôm nổi tiếng của nhà thơ nêu lên quan niệm sống của một bậc ẩn sĩ thanh cao, vượt ra cái tầm thường xấu xa của cuộc sống bon chen vì danh lợi.

Nhà thơ đã nhiều lần đứng trên lập trường đạo đức Nho giáo để bộc lộ quan niệm sống của mình. “Nhàn” là cách xử thế quen thuộc của nhà nho trước thực tại, lánh đời thoát tục, tìm vui trong thiên nhiên cây cỏ, giữ mình trong sạch. Hành trình hưởng nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm nằm trong qui luật ấy, tìm về với nhân dân, đối lập với bọn người tầm thường bằng cách nói ngụ ý vừa ngông ngạo, vừa thâm thúy.

Mở đầu là hai câu đề cho ta thấy vẻ đẹp cuộc sống thuần hậu, nhàn tản của nhà thơ hiện lên với bao điều thú vị :

“Một mai, một cuốc, một cần câu,

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.”

Cụ Trạng khi về sống giữa làng xóm quê hương thật dân dã như một “lão nông tri điền” đào giếng lấy nước uống, cày ruộng lấy cơm ăn. Nhưng đó là cả một cách chọn lựa thú hưởng nhàn cao quí của nhà Nho tìm về cuộc sống “ngư, tiều, canh, mục” như một cách đối lập dứt khoát với các loại vui thú khác, nhằm khẳng định ý nghĩa thanh cao tuyệt đối từ cuộc sống đậm chất dân quê này! Dáng vẻ “thơ thẩn” được phác hoạ trong câu thơ thật độc đáo, mang lại vẻ ung dung bình thản của nhà thơ trong cuộc sống nhàn tản thật sự. Những vật dụng lao động quen thuộc của người bình dân :“mai”, “cuốc”, “cần câu” trở thành hiện thân của cuộc sống không vướng bận lo toan tục lụy. Trạng Trình đã nhìn thấy từ cuộc sống của nhân dân chứa đựng những vẻ đẹp cao cả, một triết lí nhân sinh vững bền. Đó cũng là cơ sở giúp nhà thơ khẳng định một thái độ sống khác người đầy bản lĩnh:

“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn người đến chốn lao xao”

Thủ pháp đối lập và cách nói ẩn dụ ta dại – người khôn, nơi vắng vẻ – chốn lao xao đã khắc họa rất rõ vẻ đẹp tâm hồn qua cách lựa chọn cho mình một lối sống. Nơi vắng vẻ là nơi tĩnh tại của thiên nhiên, là nơi con người tìm thấy sự thảnh thơi, thoải mái, chốn lao xao là chỉ nơi quan trường, nơi có những bon chen quyền lực và danh lợi. Dại – khôn không mang nghĩa gốc theo từ điển để chỉ sự yếu kém hay mẫn tiệp của trí tuệ mà là cách nói ngược nghĩa mang hàm ý mỉa mai thâm trầm, sâu sắc giống như Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từng viết ở một bài thơ khác:

Khôn mà hiểm độc là khôn dại

Dại ấy hiền lành dại hóa khôn

Người khôn là người biết lánh đục tìm trong, biết giữ gìn nhân cách. Cũng vì thế, nhà thơ mới cảm nhận được tất cả vẻ đẹp của cuộc sống nhàn tản :

“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”

Khác hẳn với lối hưởng thụ vật chất đắm mình trong bả vinh hoa, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thụ hưởng những ưu đãi của một thiên nhiên hào phóng bằng một tấm lòng hoà hợp với tự nhiên.  Hai câu thơ với những hình ảnh dung dị, mộc mạc, thấy gì kể vậy rất đầm ấm, chân thành đã cho ta thấy nét đẹp trong quan niệm sống nhàn của nhà thơ. Măng trúc, giá đỗ không phải là những thứ cao lương, mĩ vị mà đậm sắc thôn quê; tắm hồ, tắm ao là một nếp sống sinh hoạt dân dã, hòa mình với thiên nhiên. Để có sự an nhiên tĩnh tại trong tâm hồn như vậy, nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm phải có sự am hiểu sâu sắc về cuộc đời. Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng nhìn thấy lòng tham chính là căn nguyên của tội lỗi, bởi vậy mà ông hướng đến một lối sống thanh bạch, giản dị, thuận theo tự nhiên.

Quan niệm về chữ “Nhàn” của nhà thơ được phát triển trọn vẹn bằng sự khẳng định:

“Rượu đến cội cây ta sẽ uống

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”

Mượn điển tích một cách rất tự nhiên, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nói lên thái độ sống dứt khoát đoạn tuyệt với công danh phú quý. Quan niệm ấy vốn dĩ gắn với đạo Lão – Trang, có phần yếm thế tiêu cực, nhưng đặt trong thời đại nhà thơ đang sống lại bộc lộ ý nghĩa tích cực. Cuộc sống của những kẻ chạy theo công danh phú quý vốn dĩ ông căm ghét và lên án trong rất nhiều bài thơ về nhân tình thế thái của mình :

Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử

Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi

Nhìn xem” là tư thế đứng từ bên ngoài, đứng ngoài vòng danh lợi chật hẹp, coi công danh phú quý chỉ là phù du. Đến đây, tác giả đã khẳng định lối sống mà mình chủ động lựa chọn: lánh xa vòng cám dỗ của danh lợi, hòa mình với thiên nhiên gian dị và gần gũi . Nguyễn Bỉnh Khiêm cảm thấy an nhiên vui vẻ bởi thi sĩ được hòa hợp với tự nhiên, nương vào tự nhiên để di dưỡng tinh thần đồng thời giữ được cốt cách thanh cao, không bị vướng vào vòng danh lợi.

Bài thơ “Nhàn” bao quát toàn bộ triết trí, tình cảm, trí tuệ của Nguyễn Bỉnh Khiêm, bộc lộ trọn vẹn vẻ đẹp nhân cách của một “bậc đại ẩn am Bạch Vân” tìm về với thiên nhiên, với cuộc sống thuần hậu, chất phác của nhân dân để đối lập một cách triệt để với cả một xã hội phong kiến trên con đường suy vi thối nát. Bài thơ là kinh nghiệm sống, bản lĩnh cứng cỏi của một con người chân chính giữ được cốt cách thanh cao, tính thiện trong mọi tình huống của cuộc đời.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *