So sánh, liên hệ mở rộng bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Tóm tắt nội dung

Toggle

1. Tác giả, tác phẩm

*Tác giả

“Đẹp thay tâm hồn Quang Dũng! Dù đi đến đâu, lòng anh bao giờ cũng quay về nỗi nhớ nhung vùng đất đá ong cằn cỗi Sơn Tây, với cánh đồng Bương Cấn, với núi Sài Sơn, mây trắng xứ Đoài bay ngang đỉnh núi Ba Vì…”

(Thanh Châu, trích “Người thơ Quang Dũng”)

“Nhà thơ Quang Dũng độc đáo một cách hồn nhiên, ông cứ sống tự nhiên như chim trên trời, cá dưới nước mà thành độc đáo. Bài thơ “Tây Tiến” hội tụ được cả cái bị, cái tráng của thời đại. Cái buồn lãng mạn của người tiểu tư sản, tiểu trí thức do biết mình được đón nhận một chân lý lớn nhưng cũng đồng thời đón nhận một gian nan lớn”.

(Nhà thơ Vân Long)

* Tác phẩm

“Nếu như Chính Hữu viết về những chàng vệ quốc bằng bút pháp hiện thực thì Quang Dũng đã tái hiện về đẹp người lính bằng đôi cánh lãng mạn đem đến men say cho thi tứ, sự bay bổng của hình tượng… Nếu thiếu đi cái chất lãng mạn, “Tây Tiến” cơ hồ sẽ mất đi vẻ đẹp toàn bích của nó.“

(Nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp

Tây Tiến là sự tiếp tục của một dòng thơ lãng mạn nhưng đã được tác giả thổi vào hồn thơ rất trẻ, rất mới, khác hẳn những tiếng thơ bi lụy não nùng”

(Vũ Thu Hương, in trong Vẻ đẹp văn học cách mạng)

“Thiên nhiên Tây Bắc qua ngòi bút lãng mạn của Quang Dũng được cảm nhận với vẻ đẹp vừa đa dạng, vừa độc đáo, vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng”. ( Bình giảng Văn học Việt Nam)

2. Cảm xúc chủ đạo viết về nỗi nhớ với cụm từ “nhớ chơi vơi”

– Thơ ca Việt Nam nói về nỗi nhớ cũng nhiều, và mỗi nhà văn, nhà thơ thể hiện một nỗi nhớ khác nhau. Ca dao có câu thơ về nỗi nhớ người yêu:
“Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa như ngồi đống than”

Tố Hữu viết về nỗi nhớ của người cán bộ cách mạng miền xuôi với thiên nhiên và con người Việt Bắc:
“Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương”
Nhưng Quang Dũng trong bài thơ này đã diễn tả nỗi nhớ một cách đầy mới lạ “nhớ chơi vơi”. Câu thơ vừa vẽ ra được trạng thái cụ thể của nỗi nhớ vừa hình tượng hóa nỗi nhớ nỗi nhớ da diết, thường trực, ám ảnh, mênh mông, bao trùm cả không gian và thời gian

3. Tư thế làm chủ thiên nhiên thông qua hình ảnh nhân hóa “súng ngửi trời”

Cách nói dí dỏm, đầy chất lính cho thấy những người lính trẻ giữa khó khăn, gian khổ vẫn tinh nghịch, hồn nhiên, yêu đời. Ý thơ cũng làm hiện nổi bật tầm cao kì vĩ của người lính cách mạng, làm chủ cả non sông đất nước của mình. Tư thế làm chủ ấy khiến ta nhớ tới câu ca dao:
“Đèo cao thì mặc đèo cao

Trèo lên đến đỉnh ta cao hơn đèo”

Và những câu thơ của tác giả Tố Hữu:
“Núi không đè nổi vai vươn tới
Lá ngụy trang reo với gió đèo”

4. Sự hi sinh của người lính ở câu thơ: “Anh bạn dãi dầu không bước nữa”

Miêu tả sự hi sinh: Có thể vì dãi dầu nhiều nắng mưa, sương gió, vì căn bệnh sốt rét mà người lính Tây Tiến mệt mỏi đến kiệt sức, không thể bước tiếp, ngã xuống một cách thanh thản, nhẹ nhàng. Anh gục xuống khi đang hành quân, súng mũ vẫn bên mình, vẫn nghiêm trang trong hàng ngũ. Nghệ thuật nói giảm “không bước nữa”, “bỏ quên đời” thể hiện người lính hi sinh chỉ như đang chìm vào giấc ngủ sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình, giống như người nông dân:
Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng

Lòng khoẻ nhẹ anh dân quê sung sướng

Ngửa mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành

Và trong mơ thơm ngát lúa đồng xanh

(Trăng trối – Tố Hữu)

-Tư thế hi sinh của anh vệ quốc quân chống Pháp đang trên đường hành quân trong bài thơ gợi chúng ta liên tưởng đến tư thế hi sinh của anh giải phóng quân chống Mĩ trong bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” của Lê Anh
Xuân:
“ Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất
Nhưng anh gượng đứng lên
Tì súng trên xác trực thăng
Và anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng”
Những sự hi sinh ấy đều là của những con người bình dị mà anh hùng. Chính họ đã góp phần hóa thân thành Đất Nước và làm nên truyền thống yêu nước, kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm:
“Có biết bao người con gái con trai
Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm nên đất nước”

(Trường ca Mặt đường khát vọng Nguyễn Khoa Điềm)

5. Bức tranh thiên nhiên Tây Tiến hoang vu, dữ dội và đầy bí hiểm trong hai câu thơ

“Chiều chiều oai linh thác gầm thét,
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.”
– Các từ láy “Chiều chiều”, “đêm đêm” chỉ quãng thời gian lặp đi lặp lại. Những âm thanh “thác gầm thét” và hình ảnh “cọp trêu người” là sự khẳng định cái bí mật, cái uy lực khủng khiếp ngàn đời của chốn rừng thiêng từng được nhà thơ Thế Lữ miêu tả trong “Nhớ rừng”:

Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi”

6. Nghĩa tình quân dân ấm áp được thể hiện trong câu thơ:

“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói,
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”
Bữa cơm xôi nếp ấy cũng đã trở thành những kỉ niệm không thể phai mờ trong lòng nhà thơ Chế Lan Viên
“Anh nắm tay em cuối mùa chiến dịch Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch Bữa xôi đầu còn toả nhớ mùi hương”
(Tiếng hát con tàu)
Kỉ niệm không biết “bao giờ trở lại” trong thơ Hoàng Trung Thông:

“Nhà lá đơn sơ, tấm lòng rộng mở
Nồi cơm nấu dở bát nước chè xanh
Ngồi vui kể chuyện tâm tình bên nhau”
(Bao giờ trở lại)

7. Kỉ niệm về đêm liên hoan văn nghệ: “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa…”

– Đêm liên hoan văn nghệ của những người lính Tây Tiến còn có đồng bào địa phương đến góp vui. Bởi vậy, đây chính là những câu thơ thắm tình quân dân, quân dân tựa như cá với nước, tựa như con một nhà. Tình cảm quân dân thắm thiết với không khí tưng bừng, nhộn nhịp cũng đã từng được nhà thơ Hoàng Trung Thông miêu tả hết sức chân thực trong những câu thơ:

“Các anh về mái ấm nhà vui

Tiếng hát câu cười rộn ràng xóm nhỏ”

8. Kỉ niệm về một buổi chiều sương hành quân qua Châu Mộc:

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ?

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa?

Cảnh sông nước mênh mông với bến bờ cỏ lau hoang dại đượm màu cổ tích. Hình ảnh hoa lau gợi nét đặc trưng của thiên nhiên rừng núi nơi đây. Thế nhưng cái hay của đoạn thơ là ở chỗ nó không chỉ vẽ lên được bức tranh cảnh vật mà còn gợi được cả cái hồn của cảnh vật. Lau dại lúc này không còn vô tri vô giác mà dường như có linh hồn, gợi được cái hồn của bức tranh cảnh vật hoang dại mà thơ mộng, đáng yêu. Hồn lau trong thơ Quang Dũng là hồn lau của li biệt, có phảng phất chút buồn và đầy nỗi nhớ nhung, lưu luyến, bịn rịn. Hình ảnh này gợi nhớ tới những câu thơ mang ý niệm buồn thương xa vắng, mênh mông:

“Người đi phơ phất hồn lau gió

Thổi trắng chân trời như khói pha” (Hoàng Hữu)

9. Ngoại hình của những người lính Tây Tiến

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm”
– Thơ ca thời kì kháng chiến chống Pháp khi viết về người lính cũng thường nói đến căn bệnh sốt rét hiểm nghèo. Chính Hữu trong bài Đồng chí đã trực tiếp miêu tả căn bệnh ấy:
“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh,
Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi”
– Tố Hữu khi vẽ chân dung anh vệ quốc quân trong bài “Cả nước” cũng không quên ảnh hưởng của thứ bệnh quái ác đó:
“Giọt giọt mồ hôi rơi
Trên má anh vàng nghệ”
-> Quang Dũng trong Tây Tiến không hề che giấu những gian khổ, khó khăn của người lính. Chỉ có điều, tất cả qua ngòi bút của ông trở nên vừa hiện thực vừa lãng mạn. Những cái đầu không mọc tóc của người lính Tây Tiến đâu phải là hình ảnh ly kì, giật gân, sản phẩm của trí tưởng tượng xa rời thực tế của nhà thơ mà chứa dựng một sự thực nghiệt ngã. Những người lính Tây Tiến phải hoạt động ở chốn rừng thiêng nước độc, ở đó có những con suối: “Rửa chân rụng lông, gội đầu rụng tóc”, có người thì cạo trọc đầu để thuận tiện khi đánh nhau giáp lá cả với địch, người thì bị sốt rét đến rụng tóc, trọc đầu.
– Đó chính là quy luật tất yếu của chiến tranh như Chính Hữu cũng từng miêu tả trong bài thơ “Ngày về”:
“Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa”
– Phong thái “dữ oai hùm” – Mượn hình ảnh con hổ để nói đến khí thế và sức mạnh dân tộc là một cách nói truyền thống trong thơ ca: “Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu” (Phạm Ngũ Lão), “Tỳ hổ ba quân – Giáo gươm sáng chói” (Trương Hán Siêu).

10. Nỗi nhớ của những người lính Tây Tiến

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Thơ ca kháng chiến chống Pháp cũng đã khắc họa bao nỗi nhớ như thế.
– Nhớ ruộng đồng, nhớ : “Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính” (Đồng chí).
– Nhớ về người vợ trẻ:
“Ba năm rồi gửi lại mái lều tranh
Luống cày đất đỏ

Tiếng mõ đêm trường

Ít nhiều người vợ trẻ
Mòn chân trên cối gạo canh khuya

Nhớ – Hồng Nguyên)

…. Từ chiến khu xa

Nhớ về ái ngại

Lấy chồng thời chiến binh

Mấy người đi trở lại

Nhỡ khi mình không về thì thương người vợ chờ
bé bỏng chiều quê…

(Màu tím hoa sim – Hữu loan)

11. Sự hi sinh và lí tưởng cao đẹp của những người lính Tây Tiến

“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”
– Những người lính Tây Tiến nằm lại nơi chiến trường rất nhiều, những nấm mồ sơ sài, vội vã nằm rải rác khắp biên thùy.
– Những ngôi mộ sơ sài như thế cũng được nhà thơ Hoàng Lộc nhắc tới trong bài “Viếng bạn”:
” Ở đây không gỗ ván
Vùi anh trong tấm chăn

Của đồng bào Cửa Ngăn

Tặng tôi ngày phân tán”

– Sau này trong bài thơ “Sông Lào”, Chế Lan Viên cũng nói về sự hi sinh của những người con ưu tú khắp mọi miền quê thành nghìn nấm mộ với bao xúc động, nghẹn ngào:

“Tôi qua những con sông Lào đâu chỉ uống vào thơ
Gặp nghìn nấm mộ

Và trăm bản Lào bom Mĩ đốt ra tro

Ngủ lại Xê-băng-hiên chàng trai nhỏ đất sông Hồng

Ngủ lại Xê-băng-phai là chàng Phú Thọ

Bóng khộp, bóng bằng lăng che mình thay bóng cọ.

Chàng trai Nghĩa Bình ngủ ở Xê –hông

Nén hương thơm lẫn với hương rừng

Những cô gái Lào đến thăm phần mộ

Các anh chưa từng cầm tay và múa lăm – vông…”

12. Sự tiếc thương vô hạn trước sự hi sinh của những người lính Tây Tiến:

“Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Với câu thơ “Áo bào thay chiếu anh về đất”, Quang Dũng đã khẳng định tinh thần của những người lính giống như người phu tráng sĩ thời xưa, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Ngày xưa, người tráng sĩ chọn cái chết hiên ngang nơi trận mạc với da ngựa bọc thây và coi
đó là vinh quang tột đỉnh:
“Chi làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo thái sơn nhẹ tựa hồng mao
(Chinh phụ ngâm)
Còn chiến sĩ Tây Tiến giờ đây thì chỉ cần “áo bào thay chiếu anh về đất” mà thôi

13. Bốn câu thơ cuối: Lời khẳng định chất lí tưởng sâu sắc

“Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi

– Năm 1946 Bác Hồ ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, khẳng định “Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Ca khúc của Phan Huỳnh Điểu :

“Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi

Là có mong chi đâu ngày trở về

Ra đi, ra đi bảo tồn sông núi

Ra đi, ra đi thà chết không lui”.

– Nợ nước, nợ non sông thôi thúc các chàng trai lên đường:

“ Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa

Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng

Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng

Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm”

(Ngày về – Tố Hữu)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *