1. Tác giả Lưu Quang Vũ
– Christian Hoche khẳng định: “Molie ở Việt Nam tên là Lưu Quang Vũ.”
– Giáo sư Phan Ngọc: “Không ai bằng Vũ trong biệt tài làm nên cái muôn thuở trong cái đời thường, biến cổ tích, huyền thoại thành truyện thời sự, dùng cái hư để nói cái thực, dùng cái thô lỗ để khẳng định cái cao quý.”
2. Bi kịch bị tha hóa:
Sự mâu thuẫn giữa một bên là khát vọng được sống là chính mình, được sống trọn vẹn với những phẩm chất cao đẹp vốn có với một bên là thực tại bị cám dỗ bởi dung tục, tầm thường khi phải ở trong thân xác anh hàng thịt của Hồn Trương Ba khiến ta liên tưởng tới:
– Bi kịch bị tha hóa cả nhân hình và nhân tính ở nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao. Vốn là một người nông dân hiền lành, chất phác với ước mơ vô cùng giản dị: Có một mái nhà nho nhỏ, chồng cày thuê, cuốc mướn, vợ dệt vải, khá thì kiếm dăm ba sào ruộng để làm. Thế nhưng chỉ vì sự lẳng lơ của bà Ba, sự nhào nặn, tàn phá của xã hội thực dân nửa phong kiến mà anh đã bị biến thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, thành kẻ phá nát biết bao cảnh yên vui, làm tan vỡ biết bao hạnh phúc của con người nơi làng quê ấy.
– Bi kịch của nhân vật Tám Bính trong tác phẩm “Bỉ vỏ” của nhà văn Nguyên Hồng. Từ một cô gái ngây thơ Tám Bính đã bị lừa dối nên đánh mất mình, từ một cô gái lương thiện Tám Bính trở thành “bỉ vỏ” – một người làm nghề trộm cướp. Và rồi cũng chính vì cái nghề “bỉ vỏ” ấy mà đứa con ruột của cô đã phải chết trong tay người mà hiện tại cô đang dành tình yêu thương.
=> Có thể thấy, tha hóa là hiện tượng dễ xảy ra ở những thời điểm chuyển giao của xã hội. Chính điều đó đã được các nhà văn tái hiện rất chân thực và sâu sắc trong các tác phẩm của mình. Nếu Chí Phèo tha hóa mà không biết mình bị tha hóa, nếu Tám Bính nhận ra được sự tha hóa của mình, muốn dừng lại mà không đừng được, thì Hồn Trương Ba lại nhận thức rất rõ về hoàn cảnh của mình và cố gắng phủ nhận nhưng rồi lại chỉ có thể cất tiếng than tuyệt vọng: “Trời” (Trong cuộc đối thoại với xác hàng thịt)
3. Bi kịch bị từ chối
Nếu như trong “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” nhân vật Hồn Trương Ba lần lượt bị những người gần gũi nhất, yêu thương nhất từ chối như vợ, cái Gái, chị con dâu thì đối với nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao cũng vậy. Sau một chuỗi ngày dài tha hóa, Chí gặp Thị Nở, được yêu thương, được chăm sóc, Chí Phèo cũng đã hi vọng mình được trở lại làm người lương thiện, được mọi người đón nhận. Nhưng không, Chí đã bị Thị Nở từ chối ngay khi niềm tin trở về với cuộc sống con người đang mãnh liệt nhất. Chí tìm đến nhà giết Bá Kiến và tự tử ngay trên ngưỡng cửa trở về với cuộc sống thiện lương. Có thể nói, cả Trương Ba và Chí Phèo đều đã phải chịu những bi kịch từ chối đau đớn do hoàn cảnh, do xã hội mà họ đang sống mang lai.
4. Câu nói: “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được” của Hồn Trương Ba gợi liên tưởng tới:
– Câu hỏi không lời đáp của Chí Phèo: “Ai cho tao lương thiên?”
– Câu hỏi: “Sống hay không sống? “ của Hăm-let trong vở kịch cùng tên của Sêch-pia
=> Cuộc đấu tranh của con người với hoàn cảnh, với chính mình vẫn luôn là cuộc đấu tranh cam go, phức tạp và đầy bi kịch. Thế nhưng dù trong bất kì hoàn cảnh nào thì con người vẫn sẽ luôn tìm mọi cách để được là chính mình, để được sống thực với những giá trị vốn có, để “mỗi con người trở thành một Con người viết hoa!” (M.Gorki)
5. Quyết định “Hãy để tôi chết hẳn” của Hồn Trương Ba
– Kết thúc tác phẩm, Hồn Trương Ba đã đưa ra quyết định: “Hãy để tôi chết hẳn” với hi vọng sẽ vẫn còn được sống mãi trong lòng những người thân yêu, để vẫn có thể giữ được bản tính cao khiết, nhân hậu vốn có.
– Chí Phèo tìm đến cái chết như một lời khẳng định đanh thép về khát vọng được sống làm người lương thiện của mình.
– Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao cũng đã lựa chọn cái chết để kết thúc cuộc đời mình như một cách để giữ gìn trái tim nhân hậu và nhân cách của một con người giàu lòng tự trọng.
=> Có thể nói, dù kết thúc ba tác phẩm đều là cái chết của các nhân vật thế nhưng ẩn sau đó vẫn luôn là ánh sáng niềm tin bất diệt nơi nhà văn. Bởi sau tất cả, họ vẫn luôn tin vào bản tính thiện lương cao quý bên trong mỗi con người.