Trong bài thơ nói với con của Y Phương, người cha giàu tình thương ấy đã chuẩn bị hành trang để đứa con bé bỏng bước vào đời. Đó là tình yêu của gia đình, của những “ người đồng mình” chân chất, mộc mạc. Cha kì vọng con lớn lên sẽ trưởng thành mạnh mẽ, mang trong mình những phẩm chất tốt đẹp. Trong cuộc sống chúng ta thấy cha mẹ luôn luôn dành những điều tốt nhất cho con cái. Một trường học nổi tiếng và đắt tiền, một cuộc sống đầy đủ tiện nghi, những hoạt động vui chơi giải trí đa dạng. Làm tất cả những điều đó cho con, cha mẹ kì vọng con sẽ giỏi giang và có một tương lai sáng lạn.Trong cuộc sống hiện tại, có nhiều tấm gương cho thấy, sự kì vọng của cha mẹ chính là động lực để con phấn đấu. Một trong những tấm gương đó phải kể đến vận động viên bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên. Khi trả lời phỏng vấn cô đã bộc bạch sự kì vọng, động viên của cha mẹ là nguồn động lực rất lớn để cô đạt đến vinh quang của ngày hôm nay. Hay ngược lại lịch sử dân tộc vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới – Nguyễn Trãi đã nghe lời cha gác lại thù nhà để trả nợ nước. Cuộc đời và sự nghiệp của ông đã đáp lại sự kì vọng và trả được chữ hiếu với cha. Tuy nhiên nếu sự kì vọng của cha mẹ quá lớn so với khả năng của con thì có thể nó sẽ biến thành áp lực, gây mệt mỏi. Một khi áp lực trở thành gánh nặng thì mãi mãi con người ta không thể thành công. Vì thế, cha mẹ hãy là người hiểu rõ nhất con mình. Đừng kì vọng quá cao, cũng đừng tự mãn quá khi con thành công để rồi vô tình làm hại con mình. Sự cởi mở của cha mẹ sẽ giải tỏa được nhưng nỗi lo không đáng có trong lòng con trẻ. Cha mẹ đừng tin rằng: “càng kì vọng nhiều thì con cái càng cố gắng hơn, nỗ lực hơn.” Cùng với vai trò là người dẫn dắt cha mẹ hãy là những người bạn chân thành của con mình. Khi cha mẹ đặt kì vọng vào con cũng đừng khiến cho con cảm thấy bắt buộc phải đạt được điều đó. Và bố mẹ cũng đừng so sánh con mình với con người khác. Có như vậy, con cái cũng yên tâm học hành và phấn đấu.