Từ văn bản “ Bàn về đọc sách” của tác giả Chu Quang Tiềm, em hãy viết một đoạn văn nêu lên suy nghĩ của mình về vai trò của sách và cách đọc sách.

Qua văn bản “Bàn về đọc sách” của tác giả Chu Quang Tiềm, với những lí lẽ thuyết phục, dẫn chứng cụ thể, sinh động, cách lập luận chặt chẽ, tác giả giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vai trò của sách và cách đọc sách. Trước hết, chúng ta cần hiểu sách là gì? Có thể nói, sách là kho tàng quý báu cất giữ tri thức, di sản tinh thần nhân loại. Cũng có thể nói, sách là những cột mốc trên con đường tiến hóa học thuật của nhân loại. Sách chứa đựng trong nó rất nhiều các loại kiến thức thuộc các lĩnh vực khác nhau ( cả về khoa học tự nhiên lẫn đời sống xã hội) mà kiến thức nào cũng cần thiết đối với con người. Tất cả những kiến thức ấy không phải tự nhiên mà có. Đây là thành quả của toàn nhân loại nhờ biết phân công, tích lũy ngày đêm. Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách, nhưng đọc sách là con đường quan trọng của học vấn. Đọc sách không chỉ là trả món nợ đối với thành quả nhân loại trong quá khứ, là ôn lại kinh nghiệm, tư tưởng của nhân loại tích lũy hàng ngàn năm, là hưởng thụ các kiến thức, lời dạy của biết bao người đã kì công tìm hiểu mới thu nhận được; mà đọc sách còn là sự chuẩn bị hành trang tốt nhất cho mỗi người tự tin vững bước vào đời, có thể phát hiện thế giới mới với biết bao điều kì thú. Đến với sách, trí tuệ con người được khai thông, tâm hồn rộng mở…Sách và việc đọc sách có ý nghĩa như vậy nên mỗi người cần phải biết quý trọng sách, có cách đọc sách đúng đắn. Hiện nay, có một số thiên hướng sai lệch khi đọc sách. Giờ đây, sách nhiều, dễ kiếm nhưng lại sinh ra kiểu đọc “ liếc qua” nhiều mà đọng lại chẳng bao nhiêu. Giống như ăn uống quá nhiều các thứ không tiêu hóa được, dễ sinh đau dạ dày, nhiều thói xấu hư danh nông cạn…Hoặc, sách nhiều cũng dễ làm cho người đọc lạc hướng, đọc cả những cuốn sách vô thưởng vô phạt, chỉ tốn thời gian, phí công vô ích…Vậy, phương pháp đọc sách đúng đắn là như thế nào? Theo nhà mĩ học và lí luận văn học Trung Quốc – Chu Quang Tiềm: “ Đọc sách không cốt lấy nhiều, quan trọng nhất là phải chọn cho tinh, đọc cho kĩ”. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta phải biết chọn sách để đọc-chọn những cuốn vừa bổ ích, vừa phù hợp với bản thân. Cần kết hợp đọc sách có kiến thức phổ thông và sách chuyên sâu. Đã đọc cuốn nào thì đọc thật kĩ để rèn luyện cho mình nếp suy nghĩ sâu xa, biết trầm ngâm tích lũy, phát huy tưởng tượng tự do đến mức làm thay đổi khí chất…Là học sinh, trước hết chúng ta cần đọc và học hết những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, sau bổ sung và nâng cao bằng các cuốn sách tham khảo, bài tập nâng cao, mở rộng ra, đọc cả những cuốn sách khoa học nghiên cứu về vũ trụ, hay  viết về cuộc sống, xã hội con người…để tìm hiểu hơn về cuộc sống, từ đó có vốn sống và sống tốt hơn. Đặc biệt, gần đây, có một số kẻ xấu lợi dụng sách báo để tuyên truyền những nội dung phản cách mạng hay văn hóa phẩm đồi trụy…Chúng ta cần tránh xa những loại sách báo này. Phải phân biệt rõ sách tốt và sách xấu. Những cuốn sách có nội dung chân chính hữu ích với con người cần được trân trọng và bảo vệ. Mỗi khi đọc sách xong, chúng ta nên gấp sách lại, để cẩn thận lên giá sách. Hãy coi sách như người bạn thân gần gũi với mình, các bạn nhé!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *