Đề bài: Trẻ em với nguyện vọng được người lớn lắng nghe, thấu hiểu.
Shakespeare đã từng nói rằng: “Cái đáng sợ nhất là căn bệnh không chịu lắng nghe, đó là một tệ nạn hết sức phổ biến”. Và trong xã hội hiện đại ngày nay, khi mọi người đang chạy theo vòng xoáy kim tiền thì căn bệnh đó ngày càng phổ biến, đặc biệt là giữa người lớn và trẻ em. Người lớn khi quá bận rộn với công việc và họ đã vô tình quên đi việc chia sẻ, thấu hiểu những đứa con của mình và trong khi đó, trẻ em lại vô cùng mong muốn được sẻ chia. Vì thế, việc đó đã làm ảnh hưởng rất lớn tới suy nghĩ cũng như sự phát triển của trẻ em.
Vậy lắng nghe là gì? Nghe là tiếp nhận âm thanh một cách thụ động, còn lắng nghe là một quá trình chủ động. Lắng nghe là sự tập trung vào nội dung, câu chuyện của người nói. Hơn nữa khi lắng nghe, người nghe phải hiểu và có thể đưa ra lời khuyên, lời đáp lại cho người đối diện. Đó mới thực sự là lắng nghe. Thế nhưng việc tưởng chừng như đơn giản đó đang dần bị lãng quên trong xã hội ngày nay. Người lớn hiện nay chưa thực sự hiểu và chia sẻ với những đứa trẻ của mình bởi họ có quá nhiều mối quan tâm khác. Nhiều trẻ em khi chưa thực sự được lắng nghe sẽ bộc lộ nhiều tính cách cũng như hành động tiêu cực.
Việc lắng nghe có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống. Lắng nghe thể hiện sự chân thành và mong muốn thấu hiểu, đồng cảm với những câu chuyện, hoàn cảnh của người khác. Đặc biệt, đối với trẻ em, việc lắng nghe là một điều vô cùng cần thiết bởi điều đó giúp người lớn dễ dàng nắm bắt được những suy nghĩ, cảm xúc, tình cảm và nhu cầu của trẻ nhỏ. Trẻ em cũng có rất nhiều vấn đề xoay quanh cuộc sống, chúng chưa đủ trưởng thành để có thể hiểu và đối mặt với những vấn đề mới lạ xảy đến với chúng. Và khi đó chúng rất cần sự thấu hiểu của người lớn để có thể đưa ra được cách giải quyết tốt nhất. Trẻ em sẽ cảm thấy mình được thấu hiểu, chia sẻ và cảm thông và có được một chỗ dựa tinh thần vững chắc. Đây chính là sợi dây liên kết tinh thần, tình cảm giữa người lớn và con trẻ, khoảng cách thế hệ sẽ được rút ngắn lại và từ đó cha mẹ sẽ dễ dàng tác động đến quá trình hình thành nhân cách và suy nghĩ của trẻ em. Bởi người ta thường nói, cách tốt nhất để gần gũi và hiểu được suy nghĩ của con trẻ là làm bạn với chúng. Việc làm bạn sẽ giúp chúng dễ dàng chia sẻ hơn. Thế nhưng nếu không biết lắng nghe, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng tuỳ vào mức độ của từng vấn đề và nếu tình trạng này kéo dài sẽ để lại nhiều hệ luỵ về sau. Khi chúng muốn được quan tâm và thấu hiểu thì cha mẹ lại không sẵn sàng lắng nghe điều đó, chúng sẽ không có được những lời khuyên chân thành cũng như những giải pháp cho vấn đề và nếu cứ tiếp tục như vậy, trẻ em sẽ sống khép mình và ngại chia sẻ với mọi người xung quanh.
Thế giới nội tâm của trẻ em như một cuốn sách vậy, nếu cha mẹ muốn hiểu nỗi lòng của con trẻ cần đọc bằng cả tấm lòng. Xã hội ngày càng hiện đại, với sự phát triển của các trang mạng xã hội, trẻ em dành thời gian cho internet quá nhiều và chúng có xu hướng tìm đến những người bạn “online”. Thế nhưng điều đó sẽ ít xảy ra nếu cha mẹ có thể thường xuyên quan tâm và hỏi han con trẻ. Vậy làm thế nào để hiểu được trẻ em? Trước tiên người lớn hãy dành nhiều thời gian bên con, thay vì những lời trách mắng thì hãy ngồi lại nói chuyện nhẹ nhàng và nói với chúng những lời động viên, khích lệ. Bởi đó sẽ là liều thuốc tinh thần tốt nhất cho chúng lúc đó và là phương pháp giáo dục vô cùng hiệu quả. Hơn nữa, người lớn cần lắng nghe đúng những tâm tư của trẻ với một thái độ muốn thấu hiểu và đưa ra những lời khuyên hữu ích nhất dành cho chúng.
Thực tế cuộc sống đã chứng minh những hệ quả có thể xảy đến nếu trẻ em không được thấu hiểu và lắng nghe. Đó là sự việc vô cùng thương tâm khi một em học sinh lớp 10 của một trường chuyên đã nhảy từ tầng 28 của một căn chung cư trước sự chứng kiến của người bố và em đã để lại một bức thư trong quyển vở Địa lý. Khi đó trời đã tờ mờ sáng nhưng em vẫn phải ngồi trên bàn học và trong một khoảnh khắc nào đó em đã tự kết liễu cuộc đời mình bằng cách vô cùng đau đớn. Và nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng đó đến từ những áp lực mà em phải chịu đựng và điều đáng nói nhất chính là cách quan tâm chưa đúng của cha mẹ em. Em chưa thực sự được lắng nghe, những suy nghĩ tiêu cực cứ thế chiếm lấy tâm hồn em và khiến em phải chọn cái chết để giải thoát cho mình. Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh cho gia đình và xã hội về sự cần thiết của việc lắng nghe. Ngoài ra, nhận thức được sự quan trọng đó, đài truyền hình Việt Nam VTV đã xây dựng một chương trình mang tên “Thiếu niên nói”, đó là nơi trẻ em được nói ra những tâm tư và suy nghĩ của mình. Đây là một cách tuyên truyền vô cùng hiệu quả.
Vì vậy, người lớn hãy quan tâm và chia sẻ với trẻ em nhiều hơn và trẻ em cũng đừng ngần ngại mà hãy nói ra hết những suy nghĩ và vấn đề với người lớn. Mỗi người sẽ có cách quan tâm, yêu thương khác nhau thế nhưng cần yêu con theo cách đúng đắn. Việc người lớn chưa thực sự lắng nghe trẻ em vẫn còn phổ biến trong xã hội ngày nay, vì vậy chúng ta cần nâng cao nhận thức của bản thân, đừng vì quá bận bịu với công việc mà quên đi những điều nhỏ bé trong cuộc sống. Gia đình và nhà trường cần phải luôn quan tâm, theo dõi những tâm tư của trẻ để có cách đối xử phù hợp.
Hãy biết lắng nghe bằng cả trái tim của mình và bạn sẽ có được trái tim của người khác. Trẻ em cần được hiểu và sẻ chia, cần có người đưa ra cho chúng những lời khuyên tốt nhất khi chúng gặp những khó khăn trong cuộc sống. Hơn nữa, hãy biến những lời nói thành hành động cụ thể.