Ca dao là thể loại trữ tình diễn tả tâm trạng, cảm xúc của con người, gắn với các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian. Ca dao về tình yêu quê hương đất nước là bộ phận phong phú trong kho tàng ca dao trữ tình Việt Nam. Từ những câu hát ca ngợi vẻ đẹp của đất nước quê hương, nhân dân ta gửi gắm tình yêu, niềm tự hào về truyền thống của quê hương, đất nước.
Đến với bài ca dao thứ nhất, chúng ta đến với vẻ đẹp của kinh thành Thăng Long thưở xa xưa:
Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Trấn Võ canh gà Thọ Xương.
Mịt mờ khói toả ngàn sương,
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.
Đọc bài ca dao, bức tranh thiên nhiên thơ mộng, yên bình của kinh thành Thăng Long mở ra trước mắt người đọc. Trong không gian của buổi sáng mùa thu, khung cảnh Thăng Long được miêu tả bằng vài nét chấm phá. Hình ảnh: “gió đưa cành trúc” gợi tả không gian buổi sáng mùa thu, gió rất nhẹ, gió không thổi mà chỉ đưa nhẹ nhàng làm đung đưa những cành trúc la đà sát mặt đất. Cành trúc được làn gió thu trong trẻo, mát lành vuốt ve êm dịu, cùng với gió cành trúc khẽ lay động bay cùng chiều gió. Cảnh sắc gợi ra cái êm đềm, trong trẻo của khí thu mát mẻ trong lành. Câu thơ có màu xanh của trúc, cử động khe khẽ của gió, và đương nhiên khí thu, tiết thu, bầu trời khoáng đạt cũng hiện ra thật rõ nét. Bức tranh không chỉ được cảm nhận bằng thị giác, mà còn cả thính giác. Đó là âm thanh quen thuộc của cuộc sống đời thường. Âm thanh rất bình dị:“Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương”. Xa xa văng vẳng tiếng chuông Trấn Vũ, tiếng gà gáy tàn canh ở huyện Thọ Xương vọng tới, báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Tiếng chuông ngân vang hoà cùng tiếng gà gáy tạo ra âm thanh như tan ra hoà cùng đất trời sương khói mùa thu. Khói toả mịt mù được đảo lại “mịt mù khói toả”. Thủ pháp nghệ thuật đảo ngữ làm tăng sự huyền ảo lung linh của cảnh vật, của cuộc sống. Mặt đất một màu trắng mờ, do màn sương bao phủ. Đây cũng là cách miêu tả lấy động tả tĩnh, tả cảnh theo trình tự từ gần đến xa, tác giả vẽ ra một bức tranh tuyệt đẹp về cảnh mùa thu vào buổi sáng sớm nơi kinh thành Thăng Long. Không gian buổi sáng sớm tinh mơ, cả kinh thành ẩn hiện trong màn sương mơ màng.
Trong không gian ấy, cuộc sống lao động của nhân dân bắt đầu “nhịp chày Yên Thái”ngân vang dồn dập, khẩn trương. Nhịp chày chính là nhịp đập của cuộc sống, sức sống mạnh mẽ nơi kinh đô. Vẻ đẹp nên thơ, huyền ảo của Hồ Tây được miêu tả qua hình ảnh ẩn dụ đặc sắc “mặt gương Tây Hồ”. Hồ Tây tựa như một chiếc gương khổng lồ phản chiếu những sắc màu và nhịp sống vừa rộn rã vừa yên bình của Thăng Long.
Bài thơ tả cảnh kinh thành Thăng Long mang vẻ đẹp cổ kính, thơ mộng, yên bình
Thông qua miêu tả cảnh, ẩn chứa tình cảm tự hào, tình yêu, sự gắn bó của tác giả với Thăng Long và cũng là với quê hương đất nước
Khác với bài ca dao thứ nhất, bài ca dao thứ hai lại có một hình thức rất đặc biệt, đó là hình thức lời mời, lời gọi thiết tha, đây là hình thức sinh hoạt phổ biến trong ca dao. Tác giả dân gian giới thiệu vẻ đẹp của xứ Lạng, nơi địa đầu tổ quốc, nơi có thiên nhiên hùng vĩ, hữu tình:
Ðường lên xứ Lạng bao xa?
Cách một quả núi với ba quãng đồng.
Ai ơi, đứng lại mà trông,
Kìa núi thành Lạng, kìa sông Tam Cờ.
Hai câu đầu bài ca giới thiệu con đường lên xứ Lạng: “bao xa” “một trái núi”, “ba quãng đồng”; tác giả cách dùng câu hỏi, và những cách tính độ dài đường đi cụ thể, vừa mộc mạc, dân dã đo đường bằng cánh đồng, trái núi. Qua đó, tác giả muốn thiết tha mời gọi mọi người đến với xứ Lạng, đó là con đường gần gũi, thơ mộng, không có gì cách trở. Hai câu sau là lời mời gọi thiết tha đến với mảnh đất Lạng Sơn hùng vĩ. “Ai” ở đây là đại từ, không chỉ một đối tượng cụ thể, đó là mọi người, ai yêu mến, quan tâm đến vùng đất nơi đây. Ca dao thường dùng “ai” để bộc lộ, dãi bày suy nghĩ, tâm tư, tình cảm sâu kín trong lòng người như “Ai ơi bưng bát cơm đầy…”, “Ai làm cho bể kia đầy?…”. Hai chữ “ai ơi”ở đây chính là tiếng gọi, lời mời, hướng tới ai đó, đồng thời tạo nên giọng thơ tâm tình, tha thiết. Cụm động từ“đứng lại mà trông” lời đề nghị tha thiết, lời nhắn nhủ mộc mạc, ân tình, nhẹ nhàng mà không kém phần duyên dáng. Ông cha ta muốn nhắc nhở về sự ghi nhớ cội nguồn, về mảnh đất mà cha ông đã tranh đấu, giữ gìn cho tổ quốc trước bao cuộc chiến tranh xâm c hiếm lãnh thổ của kẻ thù. Hẳn những câu ca dao như thế đã bồi đắp cho chúng ta tình yêu đối với quê hương đất nước.
Vẻ đẹp mảnh đất xứ Lạng như thế nào. Câu cuối bài ca dao tác giả liệt kê những gì tiêu biểu nhất, đáng tự hào vô cùng của Lạng Sơn. Đó chính là vẻ đẹp của cảnh sắc núi sông: “Núi thành Lạng”, “sông Tam Cờ”. Đây là tên ngọn núi, tên sông rất nổi tiếng của Lạng Sơn. Từ “Kìa” hai lần lặp lại trong một câu thơ, tạo ta phép điệp từ, mở ra liên tiếp khung cảnh kì vĩ của thiên nhiên xứ Lạng, đồng thời diễn tả niềm tự hào, ngỡ ngàng trước bức tranh thiên nhiên khoáng đạt, mênh mông của mảnh đất Lạng Sơn. Thiên nhiên ban tặng cho xứ Lạng một vẻ đẹp hùng vĩ, khoáng đạt, mêng mông của núi của sông. Bài ca cho ta hình dung chủ thể trữ tình đang đứng trước núi non hùng vĩ, đang đưa mắt ngắm nhìn bao quát cảnh núi sông mà lòng dâng lên niềm tự hào, yêu mến thiết tha với quê hương xú sở.
Ca dao về tình yêu quê hương đất nước luôn là dòng chảy thiết tha trong tâm hồn người Việt. Và không gian sinh hoạt của văn hóa dân gian không chỉ ở sân đình, ở trên cánh đồng, ruộng lúa…Mà đối với con người miền Trung, câu hát dân ca vang lên trên sông nước mênh mông, trong điệu hò, điệu lí mênh mang. Bài cau dao sau là một ví dụ:
Đò từ Đông Ba, đò qua Đập Đá,
Đò về Vĩ Dạ, thẳng ngã ba Sình.
Lờ đờ bóng ngả trăng chênh,
Tiếng hò xa vọng, nặng tình nước non.
Vẻ đẹp của xứ Huế được khắc họa vô cùng đặc sắc. Những chuyến đò nối liền các địa danh nổi tiếng mở ra một miền sông nước mênh mông, thơ mộng, trữ tình của Huế. Tác giả dùng phép liệt kê các địa danh nổi tiếng bên dòng sông Hương như chợ Đông Ba, Đập Đá, thôn Vĩ Dạ, Ngã Ba Sình. Hai câu thơ đầu kéo dài 8 tiếng, ngắt nhịp 4/4, cách phối thanh điệu đặc biệt ở các tiếng thứ sáu và tiếng thứ tám: “qua”, “Sình”, “chênh”. “tình” là thanh bằng; tiếng “Dạ”, “ngả”, “vọng” là thanh trắc, tuy nhiên tiếng “Ba” lại là thanh ngang. Câu thơ lục bát biến thể tạo ra âm điệu rất riêng như chính con người Huế, và cùng chính câu thơ kéo dài bất thường như mở ra trước mắt người đọc những chuyến đò xuôi ngược trên dòng sông Hương. Đây là nhịp sống, là hơi thở của cuộc sống yên ả, thanh bình của vùng đất Huế thơ mộng. Trên những chuyến đò dài ấy, con người như cảm nhận được tất cả vẻ đẹp của thiên nhiên. Không phải là gió, là mây, là sương, là cành trúc, mà đó là bóng trăng chênh. Hình ảnh bóng trăng “Lờ đờ” từ láy đảo ngữ đặt đầu câu thơ “Lờ đờ bóng ngả trăng chênh” khiến dòng sông Hương trở nên huyền ảo thơ mộng, trữ tình. Đêm về khuya, cả dòng sông Hương đắm chìm ánh trăng thơ mộng. Thiên nhiên hòa nhịp với cuộc sống của người dân lao động.
Bức tranh lao động được tô điểm bằng âm thanh của điệu hò sông nước. Âm thanh tiếng hò trên sông: “Tiếng hò xa vọng, nặng tình nước non” gợi cho ta liên tưởng làn điệu dân ca Huế tha thiết, ngọt ngào, vang vọng, lan tỏa trên mênh mang sông nước; tiếng hò chan chứa tình yêu đất nước. Lấy âm thanh tiếng hò khép lại bài ca cao, tác giả đã làm nổi bật một bức tranh lao động bình dị, chăm chỉ, con người xứ Huế cần cù, yêu đời, có tâm hồn lãng mạn, dù vất vả nhưng vẫn yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, yêu quê hương tha thiết.
Tóm lại bài ca dao thứ 3 với hình thức lục bát biến thể, bài ca dao đã ca ngợi vẻ đẹp của xứ Huế thơ mộng, trầm mặc, với sông nước mênh mang, với điệu hò thiết tha lay động lòng người. Bài ca dao chứa chất tình yêu, niềm tự hào của tác giả đối với xứ Huế.
Tóm lại, các bài ca dao sử dụng thể thơ lục bát với âm điệu thiết tha, phù hợp để bộc lộ tình cảm; ngôn ngữ giàu hình ảnh, gợi cảm; sử dụng linh hoạt các biện pháp tu từ, đa dạng trong cách thức thể hiện: mời gọi, bày tỏ cảm xúc kín đáo. Những bài ca dao trên đã cất lên tiếng hát chan chứa tình yêu, niềm tự hào về vẻ đẹp của mọi miền quê hương đất nước. Vẻ đẹp về một đất nước được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp núi sông, có truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời phong phú, đậm đà bản sắc. Các bài ca dao đã ca ngợi vẻ đẹp của mọi miền quê hương, từ Bắc tới Nam…., từ đó bộc lộ tình yêu quê hương, đất nước. Đọc ca cao về vẻ đẹp quê hương giúp mỗi người hiểu được trách nhiệm xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu đẹp, thêm hiểu về con người Việt Nam xưa, yêu và trân trọng những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc qua các bài ca dao ấy.