Trong cuộc sống, khi ta đứng trước thành công, niềm vui của người thân, của bạn bè, con người có những cảm xúc và cư xử khác nhau. Có người vui vẻ, chúc mừng, rồi học tập làm theo; song cũng có những lúc ta lại bị những cảm xúc tiêu cực xâm chiếm tâm hồn. Đó là chút gì tự ti, đố kị, thấy mình kém cỏi. Và không phải ai cũng đủ bản lĩnh để đấu tranh với cảm xúc tiêu cực, để sống yêu thương và trân trọng. Truyện “Bức tranh của em gái tôi” là một câu chuyện cảm động ghi lại tinh tế trạng thái tâm lí của con người trước thành công của người thân và gợi bao ý nghĩ nhân văn của cuộc sống.
Nhà văn Tạ Duy Anh là một trong những cây bút trẻ, quen thuộc với nhiều sáng tác viết cho thiếu nhi như: “Quả trứng vàng”, “Vó ngựa trở về”. Với những trang viết trong sáng, đậm chất thơ, giàu ý nghĩa nhân văn, mỗi tác phẩm của nhà văn thẫm đẫm những rung động tinh tế của tâm hồn trẻ thơ. “Bức tranh của em gái tôi” là một truyện ngắn đặc sắc, truyện ngắn đoạt giải Nhì trong cuộc thi viết “Tương lai vẫy gọi” của báo Thiếu niên tiền phong 1998. Câu chuyện xoay quanh hai anh em cô bé Kiều Phương và bức tranh đoạt giải nhất. Truyện cho thấy tình cảm trong sáng, hồn nhiên, tấm lòng nhân hậu của em gái đã giúp người anh nhận ra sự hạn chế của chính mình.
Nhà văn dẫn dắt người đọc vào thế giới tâm hồn trong sáng của trẻ thơ qua diễn biến tâm lí của nhân vật người anh, chính là người kể chuyện xuất hiện ở ngôi thứ nhất, xưng tôi. Người anh kể về cô em gái Kiều Phương là cô gái hay lục lọi đồ và thường bôi bẩn lên mặt. Cô bé có sở thích vẽ tranh nên thường bí mật pha chế màu và vẽ. Khi mọi người phát hiện ra Kiều Phương có tài năng hội họa thì người anh lúc này tỏ ra ghen tị và xa lánh em. Kiêù Phương đạt giải nhất tại trại thi vẽ tranh quốc tế với bức vẽ “anh trai tôi”, lúc này người anh trai mới nhận ra tấm lòng nhân hậu của em và hối lỗi về bản thân mình. Truyện kể theo trình tự thời gian, từ lúc tài năng của em gái được mọi người phát hiện, đến lòng ghen tị và mặc cảm của người anh nảy sinh, kết thúc bằng tâm trạng, cảm xúc của người anh khi đứng trước bức tranh của em gái.
Đọc tác phẩm, người đọc ấn tượng bới nhân vật cô bé Kiều Phương.
Kiều Phương hiện lên thật đẹp, cô bé mang vẻ đẹp hồn nhiên vô tư trong sáng, dễ thương. Từ ngoại hình, đến tính cách, sở thích, Kiều Phương đều vô cùng đáng yêu. Ở cô bé, người đọc dễ dàng nhận thấy nhiều phẩm chất đáng quý như chăm chỉ, say mê nghệ thuật, có năng khiếu hội họa, đáng khâm phục. Cô bé được anh trai đặt cho biệt hiệu là Mèo “bởi vì khuôn mặt luôn bị chính nó bôi bẩn”. Cô bé không giận mà còn tỏ vẻ thích thú, dùng tên Mèo để “xưng hô với bạn thật vui vẻ”. Nét đẹp hồn nhiên vô tư trong sáng, dễ thương của cô bé được thể hiện ở thói quen “Hay lục lọi các đồ vật” vì sở thích vẽ. Em “tự chế thuốc vẽ bằng những vật liệu có sẵn trong nhà từ các xoong nồi, bí mật vẽ tranh”, “mọi thứ trong nhà đều được đưa vào tranh: cái bát cám lợn sứt mẻ hương cũng trở nên ngộ nghĩnh; con mèo vằn vào tranh to hơn cả con hổ nhưng nét mặt lại rất dễ mến”. Kiều Phương rất thích vẽ, cô bé vẽ tất cả mọi vật trong gia đình… nhưng tất cả các bức vẽ ấy đều được đưa vào vòng bí mật và nó chỉ thực sự bị phát hiện khi Mèo chia sẻ những bức tranh với bé Quỳnh – con gái của bạn bố Kiều Phương. Từ đây tài năng hội họa của Kiều Phương mới được cả nhà biết đến. Trước tài năng hội họa của con gái, bố mẹ cô bé đã vô cùng ngỡ ngàng, ngạc nhiên “Con gái tôi vẽ đây ư?”, “Ôi, con đã cho bố một bất ngờ quá lớn”.
Kiều Phương không chỉ là cô bé hồn nhiên vô tư, đáng yêu, có tài năng hội họa mà em còn có tấm lòng trong sáng, khoan dung, độ lượng. Điều đó thể hiện qua thái độ, cách cư xử của em dành cho gia đình, mọi người. Em vui vẻ chấp nhận biệt hiệu “Mèo” anh tặng, rồi thân với bé Quỳnh, chú Tiến Lê ( họa sĩ). Ngay cả khi cô bé bị anh mắng vô cớ cũng không khóc hay cãi lại. Đặc biệt, khi đi thi vẽ tranh, Kiều Phương đã vẽ về anh trai với tất cả tình yêu thương anh “Trong tranh, một chú bé đang ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi bầu trời trong xanh. Mặt chú bé như tỏa ra một thứ ánh sang rất lạ. Toát lên từ cặp mắt, tư thế ngồi của chú không chỉ sự suy tư mà còn rất mơ mộng nữa”. Khi em được giải, cô bé hồ hởi ôm cổ anh chia vui. Bức tranh đạt giải đã thể hiện tài năng hội họa vượt trội và tấm lòng nhân hậu, yêu thương anh của Kiều Phương.
Như vậy, với những quan sát tinh tế, lựa chọn hình ảnh tiêu biểu, sử dụng ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu, nhà văn Tạ Duy Anh đã vẽ lên bức chân dung người em là cô bé vô tư, hồn nhiên, trong sáng,có năng khiếu hội họa và có tấm lòng nhân hậu, vị tha.
Đọc truyện, người đọc còn đến với nhân vật người anh, nhân vật trung tâm của tác phẩm, người đã nhận ra sự hạn chế của chính mình, đặc biệt biết vượt lên sự hạn chế của bản thân để hướng tới điều hoàn thiện về nhân cách. Với ngôi kể thứ nhất, nhà văn tạo điều kiện cho nhân vật người anh- người kể chuyện bộc lộ diễn biến tâm lí tự nhiên, chân thực. Khi tài năng của em gái được phát hiện cũng là lúc tình cảm của người anh trai với em rạn nứt, người anh sinh đố kỵ, ghen ghét và không còn yêu thương em như trước. Trong khi mọi người đều vô cùng sung sướng, hạnh phúc khi phát hiện ra tài năng của Kiều Phương. Ai cũng thực sự ngạc nhiên, sung sướng, vui mừng cho Kiều Phương, với chú Tiến Lê đó là nét mặt rạng rỡ lắm, còn với bố mẹ thì còn hạnh phúc nào hơn “không tin vào mắt mình”,“không kìm được xúc động”, hay ngay bé Quỳnh cũng “reo lên thích thú”. Trái lại với cảm xúc của mọi người, người anh lại thất vọng, buồn chán, thiếu tự tin, mặc cảm “Gục đầu muốc khóc”, tự ti về bản thân “ Chẳng tìm thấy ở mình một năng khiếu gì cả”, thậm chí xa lánh cả em mình “ Không thể thân với mèo như trước được nữa”. Nhà văn khéo léo miêu tả hành động của nhân vật để miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế. Hành động của người anh không dấu nỗi buồn bã, thất vọng và ghen tị với em “lén xem tranh của em gái”, nào là “Trút ra một tiếng thở dài”, rồi đến “ gắt gỏng với em, đẩy em ra”…Với cách chọn ngôi kể thứ nhất tạo điều kiện cho nhân vật bộc lộ diễn biến tâm lí tự nhiên, chân thực.
Đứng trước bức tranh vẽ chính mình người anh có tâm trạng và cảm xúc như thế nào? Chi tiết nhà văn khắc họa vẻ đẹp của bức tranh là chi tiết đắt giá nhất tác phẩm. Chi tiết ấy tạo ra bước ngoặt tâm lí nhân vật người anh, để người anh thay đổi chính mình, bức tranh còn tỏa sáng vẻ đẹp tâm hồn của Kiều Phương, lí giải nhan đề tác phẩm. Bức tranh đóng khung, lồng kính nổi bật “ Một chú bé đang ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ”, nơi bầu trời trong xanh, “mặt chú bé toả ra một thứ ánh sáng kỳ lạ” với vẻ đẹp “suy tư mơ mộng”. Bằng nét bút miêu tả tinh tế, nhà văn không chỉ giúp người đọc cảm nhận bức tranh đẹp, có hồn mà nhà văn còn miêu tả chiều sâu tâm lí nhân vật. Người anh nhận ra bức tranh là thông điệp về lòng yêu thương mà người em gái đã dành cho mình. Điều đó lí giải cho thái độ của người anh “giật sững người, bám chặt vào mẹ” vì xúc động “Thọat tiên là sự ngỡ ngàng, rối đến hãnh diện, sau đó là xấu hổ. Dưới mắt em tôi, tôi hoàn hảo đến thế kia ư? Tôi nhìn như thôi miện vào dòng chữ đề trên bức tranh: “Anh trai tôi”.”. Tại sao người anh có cảm xúc như vậy? Ngỡ ngàng, hãnh diện rồi xấu hổ là những từ ngữ diễn tả các cấp độ của cảm xúc khác nhau, thậm chí trái ngược nhau nhằm bộc lộ sự bối rối trong tâm lí nhân vật người anh khi nhận ra tình cảm yêu thương mà em gái dành cho mình. Dòng cảm xúc của người anh được đẩy lên cao trào “nhìn như thôi miên vào bức tranh” và muốn khóc. Người anh “giật sững” vì giật mình, sững sờ, ngạc nhiên; “Nhìn như thôi miên” (nhìn thu hết tâm trí).
Đó là sự ngỡ ngàng trước tài năng và tình yêu cuả em đối với mình; anh thấy hãnh diện vì em vẽ mình rất đẹp, em mình rất tài năng, còn xấu hổ vì mình luôn nghĩ xấu về em, ghen tị với em. Miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, ngôn ngữ độc thoại nội tâm, nhà văn đã diễn tả tâm trạng người kể chuyện. Đó là niềm xúc động, ngạc nhiên, không ngờ mình hoàn thiện đến thế, là sự hối hận chân thành, tự nhận thức về bản thân. Người anh đã khóc, nhưng không phải khóc vì mặc cảm tự ti như nhưng lần trước, mà khóc vì xúc động, ăn năn, hối hận. Sự thay đổi cảm xúc ấy là do tấm lòng nhân ái, khoan dung, độ lượng của người em, vì bức tranh là nghệ thuật. Điều đó giúp người đọc nhận thức cái gốc nghệ thuật là ở tấm lòng tốt đẹp của con người. Tóm lại, bằng cách miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, nhà văn đã khắc họa vẻ đẹp nhân vật người anh. Cậu bé dù có lúc ghen ghét, đố kị, nhưng sớm đã nhận ra những sai lầm, biết ăn năn hối lỗi trước những việc làm của mình.
Câu chuyện ngắn gọn được trần thuật theo dòng thời gian, với ngôi kể thứ nhất (người anh) đã bộc lộ được những cung bậc cảm xúc khác nhau, khiến cho câu chuyện không chỉ chân thực mà còn rất cảm động. Người anh đã tự kể về những thói ích kỷ, hẹp hòi tầm thường để tự thấy xấu hổ, muốn khóc vì tấm lòng trong sáng của người em. Bởi vậy câu chuyện có sức thuyết phục hơn, xúc động và hấp dẫn hơn. Không chỉ lựa chọn ngôi kể phù hợp, Tạ Duy Anh còn sử dụng ngôn ngữ kể chuyện ngắn gọn, hàm súc, các từ ngữ miêu tả tâm trạng sắc nét. Ngôn ngữ đối thoại cũng là một điểm nhấn trong truyện, nó phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của từng nhân vật.
Câu chuyện khép lại, để lại nhiều dư âm trong lòng người đọc. Bằng nghệ thuật lựa chọn ngôi kể và miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, tác phẩm đã cho thấy tình cảm trong sáng, hồn nhiên, tấm lòng nhân hậu, vị tha của người em đã làm cho người anh nhận ra phần hạn chế trong tính cách và lối ứng xử của mình.