Phân tích bài thơ của Chi-y-ô (Thơ Hai – cư)

I/ MỞ BÀI

– Thơ Hai-cư là thể thơ truyền thống có vị trí quan trọng trong văn học Nhật Bản, đồng thời được xem là một trong những hình thức cô đọng nhất của thơ ca thế giới. Một trong những tác giả tiêu biểu của thơ hai-cư là Chi-y-ô.

– Chi-y-ô (1703 -1775) nổi tiếng thần đồng với các sáng tác thơ Hai-cư từ năm 7 tuổi và được coi là người đánh dấu sự hiện diện của các tác giả nữ trong thơ Hai-cư bởi vì trước bà, thơ Hai-cư của tác giả nữ thường bị coi thường và quên lãng. Bà đã trở thành một tiếng nói thơ ca độc đáo, được nhiều người yêu thích. Thơ của bà nói về thiên nhiên và sự hợp nhất giữa thiên nhiên và con người. Bài thơ hay nhất của bà và được nhiều người biết đến là bài thơ:

Ôi hoa triêu nhan

Dây gàu vương hoa trên giếng

 Đành xin nước nhà bên

II/ THÂN BÀI

1/ Giới thiệu về thơ Hai-cư: 

– Trong văn học Nhật Bản, thơ hai-cư chiếm một vị trí khá quan trọng. Thể thơ này ra đời và phát triển rộng rãi trong thời kì Phục hưng văn học thế kỷ XVII – XVIII và song hành với đời sống văn hóa Nhật. Lúc đầu thơ hai-cư bắt nguồn từ các thể thơ ca truyền thống như trường ca, hòa ca, đoản ca… Sau đó một phần của bài thơ trong các thể thơ này tách ra độc lập và tồn tại một thời gian dài không có tên gọi chính thức, đến khi nhà thơ Shiki (1867-1902) gọi đó là thơ hai-cư vào những năm cuối thế kỷ XIX rồi nó tồn tại cho đến ngày nay.

– Bài thơ Hai-cư trong tiếng Nhật chỉ gồm 17 âm tiết chia thành 3 dòng thơ (dòng 1 và dòng 3 có năm âm tiết; dòng 2 có bảy âm tiết). Các bản dịch tiếng Việt thường không đáp ứng được đầy đủ đòi hỏi của quy tắc trên nhưng vẫn đảm bảo được sự ngắn gọn, hàm súc đặc trưng của thể thơ này.

– Một bài Hai-cư Nhật luôn tuân thủ hai nguyên lý tối thiểu, đó là bốn mùa của thiên nhiên và tính tương quan giữa hai ý tưởng. Trong thơ bắt buộc phải có kigo (quý ngữ) nghĩa là từ miêu tả mùa màng một cách gián tiếp. Trong bài không thì không nói rõ xuân, hạ, thu, đông nhưng sẽ nhắc đến hoa anh đào, lá úa vàng, tuyết phủ trắng… Ngoài ra bài thơ sẽ liên kết một hình ảnh bao la của vũ trụ ăn khớp với một hình ảnh bé nhỏ của đời thường. Đây chính là điểm đặc biệt, hấp dẫn của bài thơ hai-cư.

– Cảm thức thẩm mĩ: Thơ hai-cư thường thấm đẫm tinh thần Thiền tông và văn hóa phương Đông, đề cao sự vắng lặng, đơn sơ, u huyền và phản ánh sự vật trong mối tương quan, giao hòa, thể hiện những rung cảm của con người trước thiên nhiên bằng những hình ảnh trong sáng, nhẹ nhàng nhưng cũng đậm tính tượng trưng.

– Khởi nguồn từ Nhật Bản, ngày nay, hai-cư đã trở thành thể thơ được sáng tác bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Thơ hai-cư hiện đại có những đặc điểm riêng về bút pháp trong khi vẫn bảo lưu một số nguyên tắc quan trọng của tư duy và mĩ cảm cùa thơ hai-cư truyền thống như bài thơ được cấu tứ quanh một phát hiện mang tính chất “bừng ngộ” về mối quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng, về sự tương thông đầy bí ẩn giữa thế giới và con người; thơ thiên về khơi gợi hơn là miêu tả và diễn giải.

=> Sức sống và sự hấp dẫn của thơ hai-cư nằm ở khả năng kiệm lời mà vẫn gợi nhiều cảm xúc và suy tưởng.

2/ Phân tích bài thơ

– Khung cảnh được gợi tả trong bài thơ:

+ Bài thơ thứ hai gợi lên trong tâm trí người đọc hình ảnh hoa triêu nhan, một loài hoa có dây leo, màu tím quấn vào sợi dây gàu bên giếng.

+ Hình ảnh trung tâm: Hình ảnh trung tâm trong bài thơ là hoa triêu nhan. Hoa triêu nhan (tiếng Nhật: asagao) nghĩa là gương mặt ban mai. Cái tên triêu nhan cũng nói lên đặc điểm của hoa: Hoa chỉ nở nửa ngày và tàn lúc về chiều. Loài hoa này cũng có ở nước ta và được người Việt gọi là hoa bìm bìm và là một loại hoa ít được ai để ý tới (ngoài mấy vị thầy thuốc Đông y, vì cây hoa này chữa được một số bệnh). Đối lập với cái nhìn của người Việt, văn hóa Nhật Bản hết sức trân quý loài hoa này. Dân tộc Nhật Bản có một bản lĩnh phi thường ẩn chứa dưới những hình thức nhỏ bé nhất, cái gì cũng có thể nâng lên thành một nghi lễ: trà đạo, võ đạo, và cả hoa đạo. Người Nhật sống theo tinh thần của kinh Hoa nghiêm, “Tam thiên đại thiên thế giới chứa đựng trong một hạt bụi”. Hoa triêu nhan được nhân loại xem là biểu tượng của sự khiêm nhường và tính bền bỉ, điều này dường như hoàn toàn phù hợp với cá tính của người Nhật.

Văn hóa không có cao hay thấp mà chỉ có sự khác biệt. Vậy nên, hoa triêu nhan từ địa vị ăn nhờ ở đậu trong mắt người Việt, thì sang văn hóa Nhật Bản đã vươn lên ngôi nữ hoàng kiêu hãnh. Điều đó ó thể được chứng minh qua hàng loạt bài thơ Hai-cư của nhiều tác giả Nhật Bản. Hãy khoan nhắc đến kiệt tác về hoa triêu nhan của Chi-y-ô mà kể ra một số bài thơ về hoa triêu nhan sau đây:

Bên hoa triêu nhan

Gương mặt ai cũng

Dường như điêu tàn.

                 (Ít-sa)

Hoa triêu nhan ơi

Đến em rồi cũng

Chẳng là bạn tôi. 

(Ba-sô)

Trong số đó, bài thơ Hai-cư đặc sắc nhất về hoa triêu nhan có lẽ phải là bài thơ của nữ sĩ Chi-y-o.

Thơ Hai-cư thường nắm bắt lấy khoảnh khắc và bài thơ miêu tả khoảnh khắc tác giả định thả gầu lấy nước giếng, nhưng phát hiện ra quanh dây gầu đang vướng bông hoa triêu nhan. Khoảnh khắc được Chi-y-ô phát hiện, thế giới hiện ra đầy mới mẻ, đẹp đẽ và tinh khôi và thi sĩ hoàn toàn bất ngờ trước vẻ đẹp ấy.

– Bài thơ thấm đẫm tinh thần Thiền tông: Khoảnh khắc bắt gặp bông hoa bé nhỏ, đẹp đẽ, đầy sự sống ấy đã đánh thức hồn thơ để thi sĩ bước vào Diệu Xứ của Thơ Ca, của Hoa. Thi sĩ đã bị cuốn hút vào vẻ đẹp kỳ ảo của hoa đến nỗi như thể toàn thể vũ trụ cũng tan chảy vào đóa hoa đang nở. Đó cũng chính là lúc, theo cách nhìn nhận của Thiền tông, bông hoa cũng “nhìn thấy” thi sĩ. Đây là tình huống đồng nhất hoàn toàn giữa chủ thể và khách thể, giữa người nhìn và cái được nhìn: toàn thể vũ trụ là một bông hoa, một bông hoa có thật đang mọc ở đây, thách thức mọi thay đổi và lụi tàn. Và nếu không ai có thể trông thấy và thưởng thức hoa thì nó là một bông hoa tự chiêm ngưỡng mình, bị cuốn hút vào chính mình.

Trong tinh thần của Thiền tông, ngay cả loài cây cỏ cũng có khả năng giác ngộ, tức là có Phật tánh. Bài thơ của Chi-y-ô có thể được xem như một tuyên ngôn hùng hồn của lòng từ bi Phật giáo và phảng phất triết lý của Thiền tông. Nhà thơ nhìn thấy sự sống, nhìn thấy cái đẹp, nhìn thấy Phật tánh trong đóa triêu nhan nhỏ nhoi nhưng bền bỉ. Hoa triêu nhan vốn là một loại dây leo, đã quấn vào dây gàu múc nước để nở. Và một người lỗ mãng sẽ dễ dàng bứt nhánh triêu nhan để thuận lợi cho công việc múc nước của mình. Nhưng trước cái đẹp, trước sự sống, nhà thơ đã nâng niu, trân trọng, không nỡ làm tổn thương nên bà chọn giải pháp “xin nước nhà bên”, để sự sống và cái đẹp được hiện hữu. Thực tại được mô tả như nó chính là, không giải thích nhưng tự thân sự kiện đã nói nhiều hơn ba câu thơ ngắn ngủi. Đây chính là tinh thần ý tại ngôn ngoại, lại cũng chính là sự vô ngôn của Thiền và là tính nhân văn của Phật giáo. Cần phải có một nội tâm tĩnh lặng, một tính cách dịu dàng và hơn cả là một tình thương lớn, một tấm lòng trắc ẩn lớn mới có cách hành xử như vậy. Vì vậy nên có thể nói: Một đóa triêu nhan mỏng manh làm tỏa sáng một tình thương mênh mông và cảm động.

– Xác định mối quan hệ giữa hình ảnh trung tâm và ý nghĩa bài thơ: Hoa triêu nhan vốn là biểu tượng cho vẻ đẹp của thiên nhiên ban sơ, thuần khiết, mong manh. Sợi dây gầu thì xù xì, thô ráp vốn dể người ta dùng làm dây gàu múc nước là có ý nghĩa thực dụng. Phát hiện dây hoa triêu nhan đang quấn quanh sợi dây gàu bên thành giếng, nhà thơ nhìn thấy sự sống, nhìn thấy cái đẹp, nhìn thấy Phật tánh trong đóa triêu nhan nhỏ nhoi nhưng bền bỉ nên không nỡ chạm vào hoa. Vì thế, từ bài thơ của Chi-y-ô, ý nghĩa triết lí trong cách ứng xử của con người đối với thiên nhiên mà bài thơ gợi ra là thương hoa, trân trọng vẻ đẹp mong manh, thuần khiết của hoa, là triết lí về cách ứng xử của con người đối với thiên nhiên: trân trọng sự sống tự nhiên dù là nhỏ bé để sự sống và cái đẹp luôn được hiện hữu.

III. KẾT LUẬN

Bài thơ về hoa triêu nhan của Chi-y-o mang vẻ đẹp điển hình của thơ bà, chủ yếu đề cập đến thiên nhiên và thể hiện sự thống nhất giữa thiên nhiên với con người. Thi phẩm cho thấy thi sĩ có thể kết nối bằng cách quan sát và nghiên cứu cẩn thận những điều độc đáo xung quanh thế giới bình thường của mình và viết chúng ra bằng sự sắp xếp các ý tưởng một cách tuần tự và những mô tả hết sức chi tiết từ một trí tưởng tượng mạnh mẽ. Bài thơ của Chi-y-ô góp phần cho thấy, thơ Hai-cư là hình thức thơ ca hồn nhiên, phù hợp và quan trọng đối với người Nhật trong việc mang đến những giải tỏa cảm hứng nghệ thuật cho người nghệ sĩ. Một sự hiểu biết thấu đáo tâm lý người Nhật và những vấn đề liên quan là rất cần thiết để lĩnh hội tinh thần Thiền tông và thơ Hai-cư cũng như thơ Chi-y-ô.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *