Chính Hữu là người khắt khe với mỗi con chữ, chỉ viết khi có ý tưởng và cảm xúc chín muồi. Chính Hữu không quen lối viết tại trận, không diễn tả từng sự kiện. Ông viết khi mọi việc đã lắng xuống, ông có thời gian suy nghĩ và gạn lọc. Thơ Chính Hữu nhiều bài đặc sắc, cảm xúc dồn nén, ngôn ngữ và hình ảnh chọn lọc, hàm súc. Ông thường sử dụng thể thơ tự do giàu nhạc điệu, mà chủ yếu là nhạc điệu của nội tâm, vừa lắng đọng, vừa âm vang. Bởi thế, 18 năm sau khi bài thơ “Đồng chí” ra đời, ông mới xuất bản tập thơ đầu tay Đầu súng trăng treo – đó chính là biểu hiện của sự thận trọng, tinh thần trách nhiệm cao với công chúng.
I. Nhận định về tác giả Chính Hữu
1. “Chính Hữu là nhà thơ quân đội thực thụ cả về phía tác giả lẫn tác phẩm. – (Vũ Quần Phương)
2. “Đồng chí” là bài thơ quyện chặt cảm hứng lãng mạn và hiện thực. (Nguyễn Mạnh Hùng)
3. “Đó là 1 giọng thơ ít lời những rộng ý. Cá hình ảnh đều gắng tự nó mang ít nhiều tượng trưng cho 1 hoàn cảnh, 1 tâm lí, 1 ý niệm. Thơ anh có nói những suy nghĩ, nhưng không triết lí, biết bám chắc trên hình tượng cụ thể, ko sa vào tham lam, thống kê vụn vặt, mà từ đó biết nâng lên thành cái có ý nghĩa khái quát, gắng tác động vào tình cảm, tư tưởng bạn đọc bằng sự ngân vang của từ ngữ, hình ảnh, âm điệu.,..” (Nhà Phê bình văn học Nhị Ca)
II. Tác phẩm “Đồng chí”
1. “Câu thơ hai chữ “Đồng chí” gần như đứng giữa bài thơ, riết cái thân bài thơ lại thành một cái lưng ong, nửa trên là một mảng quy nạp (như thế này là đồng chí), nửa dưới là một diễn dịch (đồng chí còn là như thế này nữa), một kết cấu chính luận cho một bài thơ trữ tình lạ.” – (Nguyễn Đức Quyền).
2. Những dòng thơ cuối cùng như một tượng đài sừng sững cho tình cảm đồng chí thiêng liêng. Trên nền hùng vĩ của thiên nhiên, cánh rừng trải rộng, bầu trời lồng lộng, người chiến sĩ đứng với khẩu súng và vầng trăng. Đây là một hình ảnh thực trong những đêm phục kích của tác giả, nhưng chính tầm cao tư tưởng và lí tưởng chiến đấu của quân đội cách mạng đã tạo cho hình ảnh đó một vẻ đẹp khái quát, tượng trưng.” – Vũ Nho
Bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu là bài thơ có hình ảnh chân thực, cụ thể mà giàu sức khái quát, cô đọng, hàm súc, giàu sức biểu cảm. Lời thơ giàu chất tạo hình, giàu nhạc điệu. Thể thơ tự do giúp diễn tả hiện thực và cảm xúc một cách linh hoạt. Bài thơ đã góp phần mở ra phương hướng khai thác chất thơ, vẻ đẹp của người lính trong cái bình dị, bình thường, chân thật.