* Giải thích:
– Cái tôi được hiểu là cái tôi ý thức hay đơn giản là tôi, bao hàm trong đó những đặc tính để phân biệt tôi với những cá nhân khác.
* Bàn luận:
Để “hướng dẫn cái tôi khỏi đi chệch đường, xây dựng và phát triển một nhân cách trưởng thành” cần phải:
– Định hình được sở trường, ra sức phấn đấu, rèn luyện để phát huy điểm mạnh riêng biệt của cá nhân mình.
– Cần hiểu rõ những hạn chế của bản thân để tự điều chỉnh, khắc phục, tránh ảnh hưởng đến khả năng thành công trong công việc, trong cuộc sống.
– Biết tiết chế bản thân để cái “tôi” đó không biến mình thành người ngạo mạn, hống hách, coi khinh người khác.
– Muốn vậy gia đình, nhà trường cần phải định hướng cho các năng lực, tính cách đó phát triển phù hợp với các chuẩn mực và đạo đức xã hội.
*Bài văn mẫu
Cái tôi trong mỗi người được phát triển theo thời gian. Khi còn nhỏ, người ta ít bị các yếu tố xã hội tác động vào, nói cách khác-cái tôi được phát triển tương đối độc lập. Một em bé sẽ ít bị tổn thương như người lớn khi bị phê bình hay khiển trách. Trong khi đó người lớn có thể tức giận rất lâu và phản ứng rất nặng nề nếu bị chạm sâu vào lòng tự trọng.
Quan niệm về cái tôi thường được hiểu theo hai khía cạnh: Về mặt tích cực, đó là sự hãnh diện phù hợp về những giá trị, nhân phẩm của chính bản thân. Về mặt tiêu cực, là sự nhận định sai về những giá trị, nhân phẩm của mình dần đưa đến sự tự ti và mặc cảm. Bởi lẽ, nếu như ai đó không nhìn thấy được giá trị thật của chính mình thì sẽ bộc lộ sự bi quan và dễ bị tổn thương. Khi bị chìm đắm trong chuỗi suy nghĩ đó, người ta thường suy diễn, so sánh mọi việc để rồi tự cho mình là kẻ thua cuộc. Vì vậy, nếu bạn cảm thấy thiếu hụt về một lĩnh vực nào đó, bạn không nên mất đi lòng tự tin, ta sẽ nâng cao những mặt giá trị riêng mà người khác không có. Trong cuộc kiếm tìm, chắc chắn mỗi người sẽ vực dậy những giá trị độc lập của chính mình.
Mỗi người chúng ta, ai cũng có thể tạo thêm giá trị “thương hiệu” cho mình. Chẳng hạn bằng những việc làm đơn giản nhưng thiết thực như: thể hiện sự quan tâm, chia sẻ công việc với đồng nghiệp; sống chân thành, hòa nhã với mọi người; giúp đỡ cộng đồng khi gặp khó khăn hay hoạn nạn… Mọi nỗ lực dù nhỏ nhoi thôi nhưng đều mang lại những kết quả đáng kể.
Chắc chắn khi tạo cho mình được nhiều giá trị, làm cho “cái tôi” trở nên cao cả, người ta sẽ cảm thấy tự tin, cởi mở và làm nhiều điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Hiểu được giá trị thật về cái tôi của mình, người ta có thể “là chính mình” và sống thật với mình hơn. Họ sẽ không bị môi trường chung quanh chi phối, không mặc cảm, tự ti, không dễ bị tổn thương hay “chạm tự ái” với những câu nói, hành vi và thái độ dù vô tình hay cố ý của những người khác.
Thường là người có “cái tôi” quá lớn luôn xem mình là nhất, không chịu thua kém bất cứ ai; bỏ qua những suy nghĩ, lời nói của người khác; không cần biết điều mình làm đúng hay sai, tốt hay xấu, cứ tự hào một cách vô ý thức… Chính “cái tôi” đó sẽ biến họ thành người ngạo mạn, hống hách, coi khinh người khác. Cái tôi cũng như mọi thứ khác, biết “sử dụng” và điều chỉnh hợp lý, dừng lại đúng mức thì vô cùng có lợi. Tôi rất thích câu nói của Albert Einstein rằng: “Cái tôi và sự hiểu biết tỷ lệ nghịch với nhau. Hiểu biết càng nhiều, cái tôi càng bé. Hiểu biết càng ít, cái tôi càng to”