Phân tích diễn biến tâm lí của Mị trong đêm mùa đông cứu A Phủ

I/ MB : Giới thiệu khái quát nhà văn Tô Hoài và truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, giới thiệu đoạn trích.

VD: Mở bài gián tiếp

  • Ý 1: dẫn dắt vào vấn đề nghị luận

Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc

Khi lòng ta đã hóa những con tàu

Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát

Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu

(Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên)

Đó là những lời thơ tha thiết của Chế Lan Viên khi viết về mảnh đất và con người Tây Bắc. Vùng đất trời mây non nước “sớm sương muối, tối sương mù , trưa hoe hoe nắng, chiều tù mù mây” đã trở thành nơi gửi gắm tâm tình của biết bao trái tim nghệ sĩ. Tô Hoài đã từng thốt lên rằng : “đất và người Tây Bắc đã để thương, để nhớ cho tôi nhiều quá”. Niềm thương, nỗi nhớ ấy đã tạo nên những áng văn chương làm lay động bao trái tim độc giả. Và “VCAP” là một tác phẩm như thế. Một tác phẩm viết về vùng đất Tây Bắc rộng lớn , lấp lánh vẻ đẹp của những con người vùng núi cao, không cam chịu kiếp nô lệ, không cam chịu sự chà đạp của bọn chúa đất phong kiến mà vươn lên để tìm tự do, hạnh phúc cho riêng mình. Sức sống ấy được Tô Hoài truyền tải rõ nét trong hành động cứu A Phủ của Mị vào đêm tình mùa đông trên đất Hồng Ngài.

Ý 2:  giới thiệu tác giả – tác phẩm

  • Tác giả : Nhà văn hóa, phe bình văn học Vương Trí Nhàn từng khẳng định : “ Quen biết nhiều, từng trải lòng, Tô Hoài đã trở thành cuốn từ điển sống của nghề văn”. Bức tranh đời sống trong văn Tô Hoài là những trang văn hấp dẫn người đọc bằng vốn kiến thức phong phú về cuộc sống và con người miền núi, đó đã trở thành mảng sáng tác chính, quan trọng và có giá trị của Tô Hoài. Là nhà văn từng gắn bó sâu sắc với đất và người Tây Bắc, Tô Hoài viết rất hay, rất sâu về đề tài này. Và có lẽ, chính mảnh đất ấy với tài năng sẵn có và tấm lòng nhân hậu, giàu tình yêu thương đã mang đến cho Tô Hoài những thành công vang dội.
  • Tác phẩm: “Văn là kết tinh, là ngọc đọng, là phiến kỳ nam trong rừng trầm hương” và có lẽ những kết tinh mà Tô Hoài thu được sau chuyến đi thực tế tháng 8 năm 1952 lên vùng núi cao Tây Bắc là tập “Truyện Tây Bắc”- một thành quả lao động đẹp trong mùa thu hoạch đầu tiên “trên quê hương văn học mới” của ông. Cho đến tận hôm nay, người đọc vẫn dành nhiều yêu mến cho “VCAP” – một tác phẩm tiêu biểu nhất trong tập truyện này. Truyện viết về Mị – nhân vật trung tâm mà nhà văn Tô Hoài dành nhiều thời gian và tâm huyết để xây dựng, qua đó làm nổi bật sức sống tiềm tàng và khát vọng sống của con người lao động. Vẻ đẹp và niềm khao khát ấy được thể hiện qua diễn biến tâm trạng của Mị trong đêm mùa đông cắt dây trói, giải thoát cho A Phủ.

II/ Thân bài : giải quyết vấn đề nghị luận

1/ Khái quát vào nội dung phân tích:

Trước Tô Hoài, đề tài miền núi là một khoảng trống trong văn học Việt Nam. Viết “VCAP”, Tô Hoài đã tìm kiếm và phát hiện ra một đề tài mới. Đó là bức tranh đời sống của con người miền núi Tây Bắc. Muối lắng ở ô nề, văn lắng ở bề sâu, dưới lớp ngôn ngữ lấp lánh ánh sáng tạo nên từ cuộc đời Mị , nhà văn đã lấy đó làm đòn bẩy phơi bày bản chất thối nát của xã hội, nhà văn không chỉ lên án, tố cáo bọn phong kiến chúa đất mà còn ngợi ca vẻ đẹp về khát vọng tự do, hạnh phúc cùng sức sống mãnh liệt trong tâm hồn con người lao động qua cuộc đời và số phận của Mị.

2/ Thực hiện yêu cầu chính: Phân tích diễn biến tâm trạng của Mị khi quyết định cứu A Phủ

a/ Giới thiệu nhân vật Mị

Đọc một tác phẩm , cái đọng lại sâu sắc nhất trong tâm hồn ta là cảm xúc, suy tư của nhà văn về nhân vật. Tô Hoài cho rằng “nhân vật là nơi tập trung hết thảy, giải quyết hết thảy trong một sáng tác”. Đến với nhân vật Mị, trước hết, bạn đọc ấn tượng nhất chính là hình ảnh cô gái trẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc với nhiều tài năng khiến bao chàng trai mê đắm. Thế nhưng, món nợ truyền kiếp của bố mẹ như một sợi dây oan nghiệt trói  Mị vào nhà thống lí. Mị buộc phải làm con dâu gạt nợ. Cuộc sống ở nhà thống lí Pá Tra như một chốn địa ngục trần gian mà Mị là tên tù khổ sai với bản án chung thân. Mị sống như một nô lệ trong nhà thống lí.

b/ Phân tích đoạn trích

  • Luận điểm 1: Hoàn cảnh xảy ra và tâm trạng Mị trước khi cứu A Phủ

Hoàn cảnh xảy ra hành động: Nhà văn Tô Hoài khẳng định : “ Cái khổ, cái nhục mà Mị gánh chịu như lớp tro tàn, phủ khuất, che lấp sức sống tiềm tàng trong lòng Mị . Và chỉ cần có một luồng gió mạnh, đủ sức thổi đi lớp tro tàn nguội lạnh ấy thì đốm lửa sẽ bùng cháy và giúp Mị vượt qua cuộc sống đen tối của mình”. Và cuối cùng thì luồng gió ấy cũng đến. Đó chính là những đêm mùa đông dài và buồn trên núi rừng Tây Bắc đang về. Mùa đông rét buốt như cắt da, cắt thịt, vì thế đêm nào Mị cũng ra ngoài bếp lửa để thổi lửa hơ tay. Trong những đêm đó, Mị gặp A Phủ đang bị trói đứng chờ chết giữa trời giá rét vì tội để hổ vồ mất một con bò. Chính trong đêm đông ấy, khát khao hạnh phúc tạm ngủ yên trong hoàn cảnh nghiệt ngã của Mị bỗng tràn về và bung nở sức sống. Nếu như ở cuộc nổi loạn lần thứ nhất, không khí tưng bừng của đêm tình mùa xuân , đêm say nồng bên bếp lửa hay tiếng sáo gọi bạn đã báo hiệu trước một cuộc thay da đổi thịt trong cuộc sống tăm tối, nhàm chán lặp đi lặp lại của Mị thì ở lần hồi sinh thứ hai, trong đêm mùa đông không hề có sự báo trước bằng bất kì tín hiệu nào . Nó đến thật bất chợt, bất ngờ với người đọc và với chính bản thân Mị.

Tâm trạng của Mị trước khi cứu: Sau một đêm bị trói đứng, Mị rơi vào cái chết tinh thần nặng nề, đau đớn. Người phụ nữ cô đơn , bất hạnh ấy đã hoàn toàn tách biệt với thế giới xung quanh, chỉ biết  chỉ còn ở với ngọn lửa. Lửa thông thường để sưởi ấm cho con người khi giá lạnh vì thế nó cũng có tác dụng tương tự với tâm hồn khi trống trải, cô đơn. Mị bám víu lấy bếp lửa không chỉ vì cái lạnh của núi cao mà còn vì sự buốt giá trong lòng mình “nếu không có bếp lửa sưởi kia thì Mị cũng đến chết héo. Mỗi đêm, Mị đã dậy ra thổi lửa hơ tay, hơ lưng không biết bao nhiêu lần”. Có hôm, A Sử đi chơi về, nhìn thấy Mị ngồi bên bếp lửa, hắn liền đánh Mị ngã ngay xuống cửa bếp nhưng hôm sau Mị “vẫn thản nhiên ra sưởi lửa như đêm trước”. Vậy nên, nếu A Sử có đánh chết thì Mị vẫn lặng thinh, thờ ơ , thản nhiên đến mức lạnh lùng như thế. Bây giờ, đến cái thân mình bị đánh, Mị cũng chẳng thiết nói gì đến mọi thứ xung quanh nên khi tận mắt chứng kiến A Phủ chết dần trong đói rét, đau đớn, Mị vẫn dửng dưng : “Nếu A Phủ có là cái xác chết đứng đấy thì cũng thế thôi”.Với những câu văn trần thuật lạnh lùng, nhà văn đã lột tả hình ảnh một con người vô cảm , hành động theo thói quen chứ không phải một sinh thể đang sống. Cảnh tượng ấy vốn đã rất quen thuộc trong nhà thống lí, “sống lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi” . Tâm hồn Mị tưởng như chai sạn trước tất cả những đau thương của người khác. Tâm hồn vốn nhân hậu đã rơi vào vô cảm . Mị chỉ biết ở với ngọn lửa, ngọn lửa cháy sáng nhưng lòng Mị ngụp đầy bóng tối.

  • Luận điểm 2: Tác nhân đánh thức Mị, thôi thúc Mị cứu A Phủ

Miêu tả cái chết tinh thần ấy, Tô Hoài đã tự đặt mình vào một thử thách lớn . Làm sao nhà văn lại khiến người đọc tin rằng , từ trạng thái vô cảm kia , Mị có thể thức tỉnh, cắt dây trói của A Phủ , cứu A Phủ và tự cứu chính mình? Làm sao nhà văn có thể tìm được chìa khóa để mở cánh cửa của một cõi lòng cơ hồ đã chết? Và có lẽ, truyện ngắn VCAP đã chết nếu như nó “miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả , nếu như nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi và trả lời những câu hỏi đó” (Bêlinxki ). Thế nhưng, Tô Hoài đã chính mình tháo gỡ nút thắt cho câu chuyện bằng chi tiết giọt nước mắt của A Phủ “một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại ” của A Phủ. Giọt nước mắt ấy đã cứu rỗi tâm hồn Mị. Dòng nước mắt ấy không phải của kẻ hèn nhát hay yếu đuối , đó không phải là giọt nước mắt van xin hay cầu khẩn lòng thương hại của Mị. Mà nó chất chứa nỗi đau đớn, sự uất hận thầm lặng mà dữ dội của một con người tràn đầy sức mạnh , có thừa lòng can đảm mà đành bất lực trước cái chết oan ức, phi lí của A Phủ. Chính dòng nước mắt ấy đã đánh thức khát vọng sống tưởng chừng như đã chết trong lòng Mị.

  • Luận điểm 3: Diễn biến tâm lí của Mị khi cắt dây trói cứu A Phủ.

Chi tiết tưởng như không có gì đáng kể này lại là chi tiết quyết định, xoay chuyển số phận của nhân vật Mị. Nó đập mạnh vào trái tim băng giá của Mị – một trái tim dường như chỉ còn chi chít những vết thương tâm hồn để lại, chai sạn và vô cảm. Nó làm cho Mị nhớ ra, xót thương cho chính Mị những đêm ngày trước ,  “Nhìn thấy tình cảnh như thế , Mị chợt nhớ lại đêm năm trước, A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ không biết lau đi được” . Tâm hồn Mị hồi sinh trước hết trong sự tự ý thức, tự thương chính bản thân mình. Đấy cũng là quy luật tâm lí vốn có của con người. Giọt nước mắt của A Phủ đã đưa Mị từ cõi quên trở về cõi nhớ, làm tan đi cái giá băng trong trái tim cơ hồ đã chết của Mị. Từ chỗ thương mình, trong lòng Mị dâng lên nỗi xót xa , thương cảm cho bao kiếp người bị đày đọa: “Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết, nó bắt mình chết cũng thế thôi, nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này ”. Từ nhận thức về thân phận mình, thân phận của người chị dâu bị trói đứng đến chết, Mị nguyền rủa cha con nhà thống lí và nhận ra: “Chúng nó thật ác”. Khi một kẻ đang trong tình trạng mất hết ý thức, lại nhận ra nguyên nhân của cái khổ mà mình gánh chịu thì đúng là một cuộc hội ngộ ngược dòng của ý thức, là nhận thức mang tính lí trí chứ không phải cảm tính nữa. Mị độc thoại với chính mình “Chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết”. Nhận thức về cái chết cứ trở đi trở lại trong đầu làm Mị sợ . Nhưng ý nghĩ “ta đã là thân đàn bà, nó bắt ta về trình ma nhà nó thì chỉ còn rũ xương ở đây mà thôi” đã làm cho Mị nhận ra sự phi lí trong số phận của A Phủ. Trong khoảnh khắc trỗi dậy của tình người , người con gái có tâm hồn trong sáng, nhân hậu của ngày xưa đã trở về. Nó thôi thúc Mị đứng lên.

Tuy nhiên, những suy nghĩ ấy mới chỉ là dấu hiệu của lòng thương cảm mà chưa hất được bóng ma của nhà thống lí : “ Ta đã là thân đàn bà, nó bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ đợi đến ngày rũ xương ở đây”. Tư tưởng thần quyền như một thứ gông xiềng trói buộc con người đến chết. Mị nhớ lại đời mình, lo sợ “một lúc nào đó biết đâu A PhỦ trốn được rồi, lúc ấy bố con Pá Tra sẽ bảo Mị cởi trói cho nó , Mị liền phải trói thay vào đấy, Mị phải chết trên cái cọc ấy ” . Tự đặt mình trong tình thế xấu nhất là cái chết , lòng Mị không còn sợ nữa. Trái tim nhân ái của Mị đã thôi thúc Mị hành động. Có thể Mị cứu được A Phủ nhưng chính Mị sẽ chết trên cái cọc ấy, Mị đâu có sợ . Lòng thương người đã lớn hơn tất thảy mọi nỗi sợ hãi. Mị đã cởi trói cho A Phủ. Hành động đó là kết quả tất yếu của tình thương, lòng vị tha , của sự bừng sáng về nhận thức, của lòng ham sống mãnh liệt trong Mị. Vẫn là cái quy luật bất diệt của tình người muôn thuở “Thương người như thể thương thân” nhưng qua ngòi bút tài hoa của Tô Hoài , nó đã mang đậm màu sắc riêng của tính cách – tâm hồn con người Tây Bắc : chân chất, mộc mạc mà nồng nàn, sâu sắc.

Tô Hoài hiểu rằng: “ Nhà văn tồn tại trên đời trước hết để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường tuyệt lộ, bị cái các hoặc số phận dồn đến chân tường , những con người cả tâm hồn và thể xác bị hắt hủi và đày đọa đến ê chề…” . Tô Hoài đã nâng Mị lên trên hoàn cảnh éo le để trao cho Mị khát khao tự do, khát khao hạnh phúc mãnh liệt. Đoạn văn miêu tả tâm trạng Mị trong đêm mùa đông cắt dây trói cứu A Phủ đã giúp ta phần nào hình dung kiếp sống nô lệ tủi nhục của Mị, không chỉ bị đày đọa về thể xác mà còn bị giam hãm cả về tinh thần bởi những hủ tục lạc hậu. Mị chính là nạn nhân của chế độ cũ bất công với cường quyền, thần quyền và cả tiền quyền. Khắc họa số phận nhân vật Mị, nhà văn vừa lên án, tố cáo thế lực phong kiến vừa bênh vực cho con người. Qua đó, nhà văn bày tỏ lòng thương cảm sâu sắc đối với cuộc đời người phụ nữ, trân trọng những vẻ đẹp, khát khao tâm hồn của họ. Đó chính là tấm lòng nhân đạo cao cả của tác giả đối với nhân vật của mình.

Đánh giá về nghệ thuật:  “Tác phẩm nghệ thuật chân chính bao giờ cũng là sự tôn vinh con người qua những hình thức nghệ thuật độc đáo”. Tô Hoài đã thành công khi xây dựng nhân vật Mị qua việc miêu tả diễn biến tâm lí đầy phức tạp trong đoạn trích đêm mùa đông cắt dây trói cứu A Phủ. Ngòi bút Tô Hoài như mổ xẻ, luồn lách tinh vi vào các ngõ ngách để tìm “vẻ đẹp kín đáo ở chỗ không ai ngờ tới” , đem đến cho người bài học trông nhìn và thưởng thức (Thạch Lam). Nghệ thuật trần thuật uyển chuyển, linh hoạt , cách giới thiệu nhân vật đầy bất ngờ, miêu tả diễn biến nội tâm biến hóa đa dạng nhưng vẫn nằm trong vòng tình lí của sự sống. Ông đã tuân theo nguyên tắc của phép biện chứng tâm hồn để tái hiện chặng tâm lí đầy phức tạp nhưng vẫn hợp lí, mạch lạc. Văn phong của Tô Hoài trong sáng, biểu cảm, đậm đà màu sắc văn hóa Tây Bắc. Lời văn bay bổng, giàu chất thơ đã mở ra cả một không gian văn hóa Tây Bắc vời vợi, xa xôi mà đầy cuốn hút.

2/ Thực hiện yêu cầu phụ : Nhận xét về niềm tin vào con người của nhà văn Tô Hoài.

Ở nhân vật Mị, Tô Hoài đã cho bạn đọc thấy niềm tin của ông về bản chất của con người. Vẻ đẹp tiềm tàng ẩn sâu trong tâm hồn tưởng chừng chỉ còn là lớp tro tàn nguội lạnh của Mị lại là khát khao được sống, được yêu, sức phản kháng mãnh liệt. Từ chấp nhận cam chịu đến phản kháng, từ việc quên đi nỗi đau, không còn ước mơ đến khát khao sống, từ cuộc nổi loạn của Mị, Tô Hoài khẳng định được chân lí muôn đời: Ở đâu có áp bức bất công thì ở đó có sự đấu tranh chống lại nó dù đó là sự bùng lên một cách tự phát như Mị. Sự đấu tranh ấy của Mị là nét độc đáo mà nhà văn Tô Hoài sáng tạo trên nhân vật của mình. Trước năm 1945, các nhà văn hiện thực như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao chỉ coi con người là nạn nhân của hoàn cảnh . Các nhân vật của họ dù trong hoàn cảnh nào cũng có kết cục bi thảm: Chị Dậu bị sưu thuế dồn đến đường cùng, anh Pha bị lừa gạt, ức hiếp đến mất cả vợ con còn bản thân thì bị tù tội, Chí Phèo bị xã hội cướp đi cả nhân hình lẫn nhân tính, phải kết liễu đời mình trước cánh cửa trở về cuộc đời lương thiện. Nhưng Tô Hoài, với cái nhìn của một nhà văn cách mạng đã đem ánh sáng của cuộc đời mới chiếu rọi vào các thân phận nô lệ và tìm hướng giải thoát cho cuộc đời của Mị . Đây chính là nét mới mẻ trong tình cảm nhân đạo của Tô Hoài so với các nhà văn hiện thực trước đó. Con đường đến với ánh sáng của tự do xuất phát từ nhu cầu tự giải phóng mình và đó chính là con đường đấu tranh tự phát đến tự giác dưới sự soi đường, dẫn lối của Đảng.

3/ Đánh giá chung

Banzac đã từng khẳng định: “Nhà văn phải là người thư kí trung thành của thời đại.” Sau năm 1945, đặc biệt là giai đoạn 1945 – 1975, các nhà văn đi sâu khai thác hiện thực cuộc sống , hướng ngòi bút về những con người khổ cực , cam chịu, nhẫn nhục như bao nạn nhân của chế độ cũ vùng lên phản kháng đấu tranh. Mị nói riêng và số phận từ các nhân vật đau khổ, tủi hờn , họ biết hướng về tương lai để thắp lên hi vọng, hướng về ánh sáng tự do. Nguyên nhân của sự chuyển biến này là nhờ ánh sáng soi đường của cách mạng , văn học thời kì này phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng lái con thuyền từ “Thung lũng đau thương ra cánh đồng vui” . Qua đó, thể hiện cái nhìn lạc quan , niềm tin và cảm hứng nhân đạo của nhà văn được khơi gợi. Đồng thời nó hướng nhà văn theo hướng giải phóng là một quy luật tất yếu. Các nhân vật như anh hùng Núp trong “Đất nước đứng lên” của Nguyên Ngọc, Chị Sứ trong “Hòn Đất” của Anh Đức, chị Út Tịch trong “Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi” là sự tiếp nối tự nhiên của Mị trở thành những anh hùng cách mạng.

III/ Kết bài

Có nhà phê bình cho rằng : “ Văn học nằm ngoài quy luật của sự băng hoại, chỉ mình nó không chấp nhận quy luật của cái chết”. Những tác phẩm văn học chân chính bao giờ cũng có sức sống lâu bền “vượt lên những bờ cõi và giới hạn” . Ta tin rằng “Vợ chồng A Phủ” sẽ mãi là một tác phẩm làm say lòng người đọc bao thế hệ với:

Núi xòe dáng núi, sông lượn nhánh

Mây mỏng cánh ban, gió dẫn đường

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *