Cảm nhận đoạn thơ thứ hai trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Đề bài: Cảm nhận đoạn thơ :

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa,

 Kìa em xiêm áo tự bao giờ

 Khèn lên man điệu nàng e ấp

 Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

 

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”.

BÀI LÀM THAM KHẢO

Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng tha thiết, vời vợi những nhớ thương với mảnh đất Tây Bắc:
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn
Mỗi mảnh đất đi qua là « nơi máu rỏ » để tâm hồn ta thấm đất, mỗi bước chân là mỗi bước ân tình. Bao nhiêu kỉ niệm đã ăn sâu vào tiềm thức, những tháng ngày gian nan, lúc băng rừng, vượt thác, khi hào hùng, lúc mộng mơ, …tất cả được bao bọc trong nỗi nhớ, niềm thương của người đại đội trưởng gửi trao những đồng đội thân yêu. Tây Tiến là tiếng lòng thổn thức, chơi vơi mà Quang Dũng gửi lại mảnh đất miền Tây Bắc và đoàn quân Tây Tiến của mình. Một trong những đoạn thơ thể hiện nỗi nhớ về những hình ảnh tươi đẹp, rực rỡ và thơ mộng, nổi bật trong đó là những hình ảnh thiếu nữ miền Tây trong đêm lửa trại và vẻ đẹp huyền ảo trong sương chiều trên dòng nước lũ Châu Mộc, được khắc họa đậm nét :
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa,
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”.

Một tác phẩm ra đời đôi khi là sự thai nghén, thôi thúc của cả nội tâm và ngoại cảnh. Tây Tiến cũng vậy, là kết tinh của tình yêu, nỗi nhớ, niềm thương mà Quang Dũng gửi về cho binh đoàn Tây Tiến máu thịt, thân yêu của mình .Đoàn quân Tây Tiến được thành lập vào mùa xuân năm 1947, gồm phần đông là những chàng trai trẻ của đất Hà thành, hào hoa, thanh lịch:
Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
Hồn mười phương phất cờ đỏ thắm
Nên tâm hồn họ lãng mạn, bay bổng, nhiều mộng và cũng lắm mơ. Đây là điểm khác biệt rõ nét làm nên chất lãng mạn và trữ tình cho bài thơ cũng như hình tượng người lính trong thơ Quang Dũng. Họ ra đi chiến đấu mang trong mình lí tưởng: Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Một lí tưởng sáng ngời chân lí của thế hệ thanh niên thời đại Hồ Chí Minh. Địa bàn hoạt động của đoàn binh Tây Tiến là một khu vực rộng khắp kéo dài từ Mai Châu – Hòa Bình cho đến tận Thanh Hóa, kéo sang cả Sầm Nứa của Lào. Đó là vùng địa hình đồi núi phía Tây Bắc hiểm trở của tổ quốc. Nơi rừng thiêng, nước độc, nơi thâm sơn cùng cốc với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Những người lính Tây Tiến có nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ vùng biên giới phía Tây Bắc của tổ quốc, kết hợp cùng với bộ đội Pa-thét Lào đánh tiêu hao sinh lực địch. Cuộc sống chiến đấu vô cùng thiếu thốn, khó khăn gian khổ. Điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt. Chính vì thế mà những người lính Tây Tiến hi sinh vì mũi tên hòn đạn thì ít mà vì ốm đau, bệnh tật thì nhiều. Chỉ sau một năm chiến đấu, binh đoàn Tây Tiến đã hi sinh gần hết, đơn vị tan rã, đại đội trưởng Quang Dũng được chuyển sang một đơn vị khác và Tây Tiến sát nhập vào Trung đoàn 52. Một lần, ngồi bên dòng sông Đáy hiền hòa thuộc tỉnh Hà Đông cũ, kỉ niệm, kí ức về những tháng năm gắn bó cùng đồng đội thân yêu, vào sinh ra tử lại ùa về. Tây Tiến được viết lên trong nỗi nhớ trào dâng, da diết Quang Dũng gửi đến cho đất và người trọn vẹn một tình yêu.

Tác phẩm văn học có thể coi như đứa con tinh thần của nhà văn, nhà thơ. Chính vì thế đặt tên cho tác phẩm cũng là nỗi băn khoăn, trăn trở của mỗi tác giả. Có những tác phẩm tên được đặt đi, đặt lại. Tây Tiến của Quang Dũng mới ra đời nó có tên là “Nhớ Tây Tiến”. Nhưng có lẽ sau này Quang Dũng hiểu rằng, thơ là “ý tại ngôn ngoại”, không nói nhớ mà nỗi nhớ cứ như sóng trào dâng qua từng lời, từng câu, từng chữ, từng nhịp thơ. Đấy mới là cái tài hoa của người nghệ sĩ. Nhan đề đã được tinh giản chỉ còn “Tây Tiến” mà nỗi nhớ vẫn chơi vơi, như mạch ngầm và là nguồn cảm hứng của cả bài. Bài thơ được in trong tập “Mây đầu ô” xuất bản năm 1948.

 

Cảm xúc chủ đạo trong đoạn thơ là nỗi nhớ: nhớ bản mường và núi rừng miền Tây, nhớ kỉ niệm đẹp một thời trận mạc…
Bốn câu đầu gợi nỗi nhớ cảnh đêm liên hoan rực rỡ, lung linh, chung vui với bản làng xứ lạ:
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa,
…………………………………………..
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”
Khung cảnh của đêm liên hoan lửa trại được nhà thơ gọi theo cách riêng của mình là hội đuốc hoa thật tưng bừng, náo nhiệt và rộn rã. Không còn cái khúc khuỷu, thăm thẳm của đèo cao, vực sâu, không còn cái oai linh gầm thét của rừng thiêng xứ lạ nữa. Bừng lên là bừng tỉnh, bừng sáng, tưng bừng. Doanh trại như đang trong giấc ngủ im ắng thì bỗng bừng tỉnh dậy. Những cuộc hành quân gian nan, vất vả hết ngày này sang ngày khác của các chiến sĩ nay bỗng có những giờ phút tưng bừng, nhộn nhịp, sôi động trong tình quân dân gắn bó. Nhà thơ đã dùng từ hội đuốc hoa với hai nghĩa. Nghĩa thực là đuốc đốt sáng để vui chơi. Nghĩa ẩn dụ là có ý bông đùa, nghịch ngợm nhưng lại rất lành mạnh của các anh bộ đội trẻ. Đó chính là lễ cưới.“Đuốc hoa” là cây nến đốt lên trong phòng cưới, đêm tân hôn, từ ngữ được dùng trong văn học cũ: “Động phòng hoa chúc”(Thành ngữ), “Đuốc hoa chẳng thẹn với chàng mai xưa” (Truyện Kiều – câu 3096). Đêm liên hoan “bừng” ánh sáng của đuốc hoa, của lửa trại; cũng còn có nghĩa là tiếng khèn, tiếng hát, tiếng cười tưng bừng rộn rã. Sự xuất hiện của “em”, của “nàng” làm cho hội đuốc hoa mãi mãi là kỉ niệm đẹp một thời chinh chiến.

Trong ánh lửa của đêm hội đuốc hoa, các chàng trai chiến binh Tây Tiến đang hoà niềm vui với đồng bào nơi mình đóng quân. Những thiếu nữ Mường, những thiếu nữ Thái, những cô gái Lào xinh đẹp, duyên dáng, xuất hiện trong bộ xiêm áo rực rỡ, cùng với tiếng khèn “man điệu” đã “xây hồn thơ” trong lòng các chàng lính trẻ. Chữ “kìa” là đại từ để trỏ, đứng đầu câu “Kìa em xiêm áo tự bao giờ” vừa là sự chào đón vừa nói lên sự ngạc nhiên, sung sướng khi những cô gái dân tộc xuất hiện. Họ rực rỡ, đẹp lạ thường! Xiêm áo tự bao giờ vừa có nghĩa các cô gái đã ăn mặc, trang điểm từ lúc nào mà đẹp, mà rực rỡ như thế; vừa có nghĩa xiêm áo cổ truyền của dân tộc. Các cô gái ấy đến với cuộc liên hoan giữa quân và dân như những cô dâu đến lễ cưới. Mọi gian khổ, mọi thử thách,… như đã bị đẩy lùi và tiêu tan.

Trong cuộc liên hoan lửa trại như vậy, hẳn là đôi mắt đa tình của người chiến binh đang dõi theo dáng điệu của nàng e ấp. Nhân vật trung tâm, linh hồn của đêm văn nghệ là những cô gái dân tộc vùng núi Tây Bắc bất ngờ hiện ra trong trang phục lạ, vừa e thẹn, vừa tình tứ trong một vũ điệu lạ: man điệu, nhạc cụ lạ : khèn, dáng điệu lạ: e ấp. Tưởng là những thử thách khắc nghiệt của núi rừng dữ dội, những gian truân vất vả trên đường hành quân sẽ làm cho tâm hồn người lính trở nên chai sạn. Nhưng không, tâm hồn họ vẫn phơi phới niềm lạc quan yêu đời, đầy ắp niềm vui và mộng mơ, dù có thể ngày hôm sau một người nào đó trong số họ sẽ nằm lại nơi núi rừng u tịch. Tâm hồn người lính bay bổng theo thơ và nhạc về miền xuôi: Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ. Các anh thanh niên Hà Nội say mê theo tiếng nhạc, tâm hồn tràn đầy ý thơ, mơ tưởng đến những ngày mai tươi vui ở Viên Chăn.

Bốn câu sau là hình ảnh thiên nhiên và con người Tây Bắc :
“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
…………………………………………………..
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
Chữ “ấy” bắt vần với chữ “thấy”, một vần lưng thần tình, âm điệu câu thơ trĩu xuống như một nốt nhấn, một sự nhắc nhở trong hoài niệm nhiều bâng khuâng. Nữ sĩ xưa nhớ kinh thành Thăng Long là nhớ “hồn thu thảo”, nay Quang Dũng nhớ là nhớ “hồn lau”, nhớ cái xào xạc của gió, nhớ những cờ lau trắng trời. Có “nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi” thì mới có nhớ và “có thấy hồn lau” trong kỉ niệm. Đó là cái hồn của cỏ cây sông nước, cái linh hồn của tạo vật.“Có thấy”… rồi lại “có nhớ”, một lối viết uyển chuyển tài hoa, đúng là “câu thơ trước gọi câu thơ sau” như những kỉ niệm trở về…Nó nhắc nhở và gợi nhớ về một tâm trạng, một xúc cảm lãng mạn, mộng mơ của người lính Tây Tiến trong một buổi chiều sương phủ bên dòng suối lũ mênh mông.

Nhớ cảnh (hồn lau) rồi nhớ người (nhớ dáng người) cùng con thuyền độc mộc “trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”. Đặc biệt, nét độc đáo trong nghệ thuật biểu đạt của nhà thơ là cách thi nhân không tả mà chỉ gợi. Cái “dáng người trên độc mộc” cũng là gợi nhưng vẫn làm rõ cái dịu dàng, uyển chuyển, xinh xắn của những cô gái trên chiếc thuyền độc mộc lao nhanh trên dòng nước lũ đang chảy xiết. Hình ảnh đó như thể đã khắc sâu trong tâm khảm, trong tâm trí các chiến sĩ Tây Tiến.

Như hòa hợp vời con người, những bông hoa rừng cũng “đong đưa” làm duyên trên dòng nức lũ. Hoa “đong đưa” chứ không phải là “đung đưa”. “Đong đưa” là đưa qua đảo lại. Còn “đung đưa” là chao đi chao lại một cách nhẹ nhàng trong khoảng không. Đây là bút pháp vừa tả thực vừa tả tình lãng mạn: nước lũ chảy xiết làm cho những bông hoa bên mép suối đung đưa, nhưng thi nhân nhìn thành “đong đưa” như những điệu múa mềm mại của những cô gái đẹp, tài hoa, tình tứ.

Có thể nói, nghệ thuật của đoạn thơ là sự hoà quyện giữa chất hoạ, chất nhạc và chất thơ làm thành một. Bút pháp, thi pháp của chủ nghĩa lãng mạn để lại dấu ấn tài hoa qua đoạn thơ này. Giữa những “bến bờ”, “độc mộc”, “dòng nước lũ” là “hồn lau”, là “dáng người”, là “hoa đong đưa” tất cả được phủ mờ bởi màn trắng mỏng của một “chiều sương” hoài niệm. Tưởng là siêu thực mà lãng mạn, tài hoa.

Tóm lại, tám câu thơ thật đẹp, thật đặc sắc. Nó như một bức tranh thủy mặc với những nét chấm phá tinh tế, mềm mại, sâu lắng. Từ đó, nhà thơ đưa người đọc vào thế giới của cái đẹp, một thế giới của cõi mơ đầy ánh sáng, hội hoạ, điêu khắc, âm nhạc và cả vũ đạo. Tám câu thơ, hai khung cảnh nhưng chung một xúc cảm say đắm, mơ mộng. Phải là một nhà thơ của “Tây Tiến” mới sáng tạo được những vần thơ tài hoa đến như thế!

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *