Cảm nhận về Phương Định trong đoạn trích tả cảnh phá bom

I/ Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận, phạm vi nghị luận:

Vẻ đẹp tâm hồn, lí tưởng sống của thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kháng chiến chống Mĩ đã từng đi vào những vần thơ của Thanh Thảo:

Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

(Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc)

Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?

Chúng tôi” ấy là những ai? Họ chính là những chàng trai, cô gái tuổi đời còn rất trẻ, họ gác lại tình yêu, hạnh phúc của mình để bước vào cuộc chiến với tinh thần sẵn sàng hi sinh tất cả cho tổ quốc thân yêu. Cũng viết về những nhân vật trung tâm của thời đại ấy, Lê Minh Khuê qua truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” đã tái hiện đầy chân thực, xúc động về hình ảnh của những cô gái thanh niên xung phong làm công tác trinh sát mặt đường, đo đất đá, lấp hố bom để đảm bảo lưu thông cho đoàn xe chi viện. Bằng sự cảm nhận sâu sắc, nhà văn đã khắc họa rất thành công diễn biến tâm lí Phương Định trong một lần phá bom để từ đó làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chất anh hùng của cô –  người con gái Hà Thành trẻ trung, xinh đẹp.

II/ Thân bài

1.Khái quát về tác phẩm

Truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê được sáng tác năm 1971 – thời điểm cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra vô cùng ác liệt. Truyện kể về cuộc sống, chiến đấu của ba cô gái Nho, Thao, Phương Định để từ đó làm nổi bật vẻ đẹp của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến lửa Trường Sơn, vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam thời kì chống Mĩ cứu nước.

2.Cảm nhận về đoạn trích

a) Giới thiệu sơ lược về hoàn cảnh sống chiến đấu và công việc của Phương Định

Phương Định là nhân vật chính trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê . Cô và 2 người đồng đội của mình sống ở chân một cao điểm trên tuyến lửa Trường Sơn. Công việc hàng ngày của cô là “Khi có bom nổ thì chạy lên, đo khối lượng đất đá lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom” . Phá bom là công việc hằng ngày của cô. Đều đặn 5 lần một ngày, ngày nào ít thì ba lần. Và Lê Minh Khuê cũng đã tái hiện lại một cách cụ thể và sinh động một lần Phương Định phá bom như thế để từ đó làm nổi bật vẻ đẹp trong tâm hồn cô gái trẻ.

b) Cảm nhận về nhân vật qua đoạn trích

  • Phương Định là một cô gái giàu lòng tự trọng

Trước hết, qua đoạn trích, điều đầu tiên mà người đọc cảm nhận được ở Phương Định đó là lòng tự trọng. Cô luôn muốn hình ảnh cuả mình đẹp đẽ trong mắt mọi người nhất là các anh pháo thủ cho nên dù có sợ hãi trước cái không khí vắng lặng xung quanh nhưng cô quyết không đi khom bởi “Cảm thấy có ánh mắt các chiến sĩ theo dõi mình, tôi không sợ nữa. Cô không muốn hình ảnh của mình xấu đi trong mắt các chiến sĩ. Dù nguy hiểm hiếm đến đâu cũng không được phép run sợ .Cô tự nhủ với chính mình: Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới”. Lòng dũng cảm đã được kích thích bởi lòng tự trọng. Nét đẹp ấy của Phương Định thật đáng để ta trân trọng, cảm phục biết bao nhiêu!

  • Đoạn trích cho thấy Phương Định là một cô gái kiên cường, dũng cảm.

Nổi bật nhất ở Phương Định trong đoạn trích chính là vẻ đẹp của một cô gái kiên cường, dũng cảm. Mặc đù phá bom đã trở thành công việc quen thuộc nhưng là một cô gái trẻ trong khoảnh khắc đối diện với cái chết, cô cũng không tránh được sự sợ hãi. Chính sự sợ hãi ấy đã làm cho các giác quan của cô trẻ nên nhạy bén. Cô cảm nhận được không khí xung quanh: “Vắng lặng đến phát sợ. Cây còn lại xơ xác. Đất nóng. Khói đen vật vờ từng cụm trong không trung”. Chi tiết này cho thấy Lê Minh Khuê rất am hiểu tâm lí của con người. Nếu bà để cho Phương Định không có cái cảm giác sợ hãi kia thì có vẻ như không phù hợp với tâm lí của một cô gái trẻ. Để cho Phương Định cũng cảm thấy sợ hãi không chỉ phù hợp với tâm lí con người mà còn làm nổi bật lòng dũng cảm trong cô bởi dù sợ hãi thế nhưng cô đã dũng cảm để chiến thắng được nỗi sợ hãi của mình và bình tĩnh phá bom.

 

Phá bom là một công việc không hề đơn giản. Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, chỉ một phúc chậm trễ là có thể mất mạng. Phải thật sự dũng cảm  cô mới dám  nhận nhiệm vụ ấy. Và cũng vì hiểu được sự nguy hiểm trong công việc của mình nên Phương Định nhanh chóng đào đất phá bom. Có những lúc cô thấy rùng mình vì nghe thấy một tiếng động sắc đến gai người, vì cảm nhận được vỏ quả bom nóng. Thế nhưng bằng sự kiên cường và lòng can đảm của mình cô đã hoàn thành xong công việc. Hàng loạt các câu đặc biệt với nhịp điệu nhanh, dồn dập đã giúp người đọc cảm nhận được cái không khí và cảm giác căng thẳng của PĐ khi thực hiện công việc phá bom nổ chậm. Không khí càng căng thẳng bao nhiêu ta càng nhận ra lòng dũng cảm của cô bấy nhiêu.

 

          Chưa dừng lại ở đó, tinh thần dũng cảm của Phương Định còn tiếp tục được bộc lộ ở đoạn văn tiếp theo , trong giây phút Phương Định chờ bom nổ. Phá bom là đối diện với thần chết nhưng Phương Định lại nói “Tôi cũng nghĩ đến cái chết ,nhưng một cái chết rất mờ nhạt”. Nhà văn tỏ ra khá am hiểu tâm lí nhận vật .Cô cũng như bao người khác yêu tha thiết cuộc sống này , không phải không nghĩ đến cái chết nhưng một cái chết mờ nhạt, nghĩa là không đậm nét, không ám ảnh đến nỗi sợ hãi. Bởi đã chấp nhận đi thanh niên xung phong vào Trường Sơn là đi theo một lí tưởng cao đẹp ,sẵn sàng hiến dâng trọn vẹn tuổi thanh xuân của mình cho tổ quốc. Cô đã đặt công việc lên hàng đầu, coi việc hoàn thành công việc còn quan trọng hơn cả mạng sống.

 

Mặc dù đã hoàn thành nhiệm vụ, nhưng cô luôn lo lắng “liệu mìn có nổ, bom có nổ không? Không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai”. Cái suy nghĩ “làm thế nào để châm mìn lần 2” thật đáng để ta cảm phục. Châm mìn lần 2 còn nguy hiểm hơn gấp ngàn vạn lần so với lần châm mìn thứ nhất. Bởi bom có thể nổ bất cứ lúc nào. Chỉ cái suy nghĩ ấy thôi cũng cho thấy được lòng dũng cảm tuyệt vời của cô. Điều gì đã khiến một cô gái trẻ trung, mơ mộng, lãng mạn như Phương Định lại trở nên gan dạ, dũng cảm đến thế?  Phải chăng đó chính là tình yêu tổ quôc. Chính lòng yêu nước đã thôi thúc cô vào chiến trường và giờ đây cũng chính tình cảm ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho cô để cô trở nên mạnh mẽ, kiên cường để hoàn thành nhiệm vụ.

3.Đánh giá

Bằng hàng loạt các câu trần thuật đơn, câu rút gọn, câu đặc biệt , nhịp ngắt dồn dập, nghệ thuật độc thoại nội tâm, phân tích tâm lí nhân vật độc đáo, tình huống kịch tính, điểm nhìn của tác giả hòa lẫn vào điểm nhìn tâm trạng của nhân vật để tạo nên không khí căng thẳng, hiểm nguy và khắc họa tâm lí Phương Định. Thông qua đó, ta thấy rõ phẩm chất anh dũng, kiên cường của nhân vật. Đó là phẩm chất tiêu biểu cho thế hệ trẻ thời kì kháng chiến chống Mĩ.

III.Kết bài:

Đoạn trích đã miêu tả thành công diễn biến tâm lí Phương Định trong một lần phá bom để từ đó làm nổi bật phẩm chất anh hùng dũng cảm của cô cũng như của cả thế hệ trẻ Việt Nam – thế hệ dàn hàng gánh trên vai đất nước. Đoạn trích cũng như toàn bộ tác  đã khơi gợi trong lòng người đọc không ít những tình cảm đẹp. Nó khiến ta càng thêm cảm phục trước tài năng của nhà văn Lê Minh Khuê, càng thêm yêu mến, trân trọng những con người đã cống hiến cho độc lập dân tộc. Chính vì lẽ đó, đứa con tinh thần đầu tay của nhà văn Lê Minh Khuê, truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” đến nay vẫn có sức sống mãnh liệt và chắc chắn sẽ còn vang mãi với thời gian.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *