Bài nói: Kể lại truyền thuyết Thánh Gióng bằng lời văn của em
Tôi tên là…………………., học lớp……., trường……………..
1/ Chào hỏi và giới thiệu lí do chọn kể câu chuyện Thánh Gióng:
Xin chào các bạn!
Tuổi thơ tôi lớn lên êm đềm bên những câu chuyện dân gian mà ông nội vẫn kể mỗi tối. Qua những câu chuyện ông kể, tôi như đắm chìm vào thế giới đầy mơ và mộng của cha ông, hiểu thêm về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Một trong những câu chuyện mà tôi ấn tượng nhất đó là truyền thuyết Thánh Gióng. Thật đặc biệt khi câu chuyện này cũng được đưa vào chương trình Ngữ văn lớp 6. Câu chuyện đã kể về người anh hùng đánh giặc giữ nước.
2/ Kể lại nội dung câu chuyện
(Kể bằng giọng vừa phải, rõ ràng, chú ý phân biệt lời nói của các nhân vật với lời của người kể chuyện)
Câu chuyện ấy xảy ra từ đời Hùng Vương thứ sáu. Ở làng Gióng có hai ông bà già nổi tiếng là sống phúc đức. Hai ông bà rất mong có một đứa con. Thế rồi, một hôm, bà ra đồng trông thấy một vết chân rất to, bà ngạc nhiên kêu lớn: “Chao ôi! Bàn chân ai mà to thế này!”. Tò mò nên bà đưa chân vào ướm thử , không ngờ về nhà bà mang thai. Điều kì lạ là mãi 12 tháng sau bà mới sinh được một cậu bé mặt mũi rất khôi ngô. Hai vợ chồng mừng rỡ vô cùng. Nhưng kì lạ hơn nữa là đứa trẻ đã lên ba tuổi mà vẫn không biết nói, biết cười, cũng chẳng biết đi, cứ đặt đâu thì nằm đấy.
Bấy giờ giặc Ân thế mạnh như chẻ tre tràn vào xâm lược nước ta. Chúng đi đến đâu là đốt phá nhà cửa, giết người cướp của đến đấy. Quân đội Hùng Vương nhiều phen xuất trận, nhưng đánh không nổi lại chúng. Vua Hùng lấy làm lo lắng vội phái sứ giả đi khắp nơi trong nước tìm tướng tài để giúp vua cứu nước. Đứa bé nghe tiếng rao của sứ giả, bỗng cựa mình và cất tiếng nói: “Mẹ ra mời sứ giả vào đây”. Sứ giả vào, đứa bé bảo: “Ông về tâu với vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một tấm áo giáp sắt, ta sẽ phá tan lũ giặc này”. Ai nấy đứng nghe khôn xiết lạ lùng. Cho là thần nhân xuất hiện, sứ giả lập tức phi ngựa về tâu với nhà vua. Nghe nói, Hùng Vương mừng rỡ liền ra lệnh cho thợ rèn góp tất cả sắt lại rèn ngựa, gươm, áo giáp và nón như lời xin của chú bé.
(Kể bằng giọng rõ ràng, xen lẫn ngạc nhiên, thích thú)
Càng lạ hơn nữa, kể từ hôm gặp sứ giả, chú bé bỗng lớn nhanh như thổi. Cơm ăn không biết no, áo vừa mới mặc đã chật. Hai vợ chồng làm lụng cực nhọc , chạy ngược chậy xuôi mà không đủ nuôi con bèn cậy nhờ hàng xóm. Bà con ai cũng mong cậu đi giết giặc cứu nước nên chẳng nề hà gì, cùng góp gạo nuôi cậu bé. Khi ăn đến mười nong cơm, ba nong cà, mỗi lần ăn xong một nong lại vươn vai và vụt lớn lên như thổi. Vải vóc do dân làng mang đến rất nhiều để may quần áo mà vẫn không đủ
(Kể bằng giọng rõ ràng, sôi nổi, xen lẫn niềm tự hào)
Ngày ấy, giặc vừa đến sát chân núi Trâu thì sứ giả cũng kịp mang vũ khí tới. Gióng bèn vươn vai đứng dậy, lập tức trở thành một tráng sỹ, khoác áo giáp, cầm roi sắt, chào mẹ và dân làng rồi nhảy lên ngựa. Cả người cả ngựa lao vun vút ra trận. Trên chiến trường, Gióng tung hoành ngang dọc, tả đột hữu xung, giặc chết dưới tay như ngả rạ. Bỗng gậy sắt gãy, Gióng nhanh như chớp nhổ tre bên đường làm vũ khí mới. Giặc sợ hãi chạy trốn, dẫm đạp lên nhau mà chết. Dẹp giặc xong, cậu Gióng không quay về kinh để nhận công ban thưởng mà thúc ngựa đến núi Sóc, bỏ lại áo giáp sắt, một người một ngựa bay thẳng về trời.
(Kể bằng giọng trầm lắng)
Đất nước đã sạch bóng thù. Nhớ ơn người anh hùng, vua Hùng sai lập đền thờ Gióng ngay tại quê nhà, phong Gióng làm Phù Đổng Thiên Vương, phong mẹ Gióng là Thánh Mẫu Bảo Vương. Nhiều đời sau người ta còn kể, những nơi ngựa của Giong đi qua để lại trăm ao hồ. Rặng tre bị ngựa phun lửa cháy trở nên vàng óng, còn có một làng bị ngựa phun lửa cháy được gọi là làng Cháy.
3/ Kết thúc bài nói
Các bạn ạ!
Truyền thuyết “Thánh Gióng” cùng hình tượng người anh hùng làng Gióng đã in đậm dấu ấn trong đời sống tinh thần người Việt từ bao đời nay. Câu chuyện đã khơi dậy trong tôi lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm sâu sắc với đất nước. Tôi tự nhủ sẽ học tập, rèn luyện tốt để mai sau có thể tô điểm cho đất nước ngày thêm đẹp tươi.
Cảm ơn các bạn đã chú ý lắng nghe câu chuyện tôi kể. Rất mong các bạn đóng góp ý kiến để bài nói của tôi thêm hoàn thiện.