Bài làm
Ai đã từng đọc truyện ngắn “ Làng” của nhà văn Kim Lân đều cảm động trước lòng yêu làng, yêu nước vô cùng sâu sắc của nhân vật ông Hai – nhân vật chính trong truyện. Ông Hai là một người dân làng chợ Dầu, rất yêu làng nhưng phải rời làng đi tản cư theo kháng chiến. Ở nơi tản cư, ông Hai rất hay khoe về làng mình và luôn nhớ làng. Vậy mà ông lại nghe được cái tin làng Dầu yêu quý của ông theo Tây. Tin dữ làm ông đau khổ, xấu hổ, tủi nhục xiết bao. Nhưng rồi ông lại nhận được tin cải chính về làng Dầu. Ông lại vui mừng đi khoe về làng, khoe cả cái tin nhà ông bị Tây nó đốt nhẵn. Như vậy, tình yêu làng quê thắm thiết đã thống nhất với lòng yêu nước và tinh thần kháng chiến ở nhân vật ông Hai – Tiêu biểu cho tình yêu quê hương đất nước của người nông dân VN trong kháng chiến chống Pháp. Đây thực sự là một tình cảm đẹp đã trở thành truyền thống đạo lí quý báu của dân tộc ta từ xưa đến nay như bác Hồ đã từng khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta”. Tình yêu quê hương đất nước là một tình cảm tự nhiên, chân thành mà rất đỗi thiêng liêng trong mỗi con người. Đó là tình cảm đối với mảnh đất, con người trên vùng lãnh thổ ta sinh ra, lớn lên, gắn bó…Khi đất nước bị xâm lăng, lòng yêu nước thể hiện sâu sắc qua thái độ căm thù giặc, quyết tâm chiến đấu để bảo vệ đất nước. Lịch sử dân tộc đã ghi lại biết bao tấm gương anh hùng yêu nước như vậy: Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung…Trong thời bình, tình yêu quê hương đất nước lại được thể hiện ở nhiều phương diện khác nhau để cống hiến sức mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đó có thể là một nhà khoa học nghiên cứu, một người nông dân cần cù lao động, hay những chiến sĩ bộ đội đang ngày đêm luyện rèn, canh giữ vùng biên cương, hải đảo xa xôi…Trong cuộc sống hiện nay, có rất nhiều người lười nhác, ưa hưởng lạc, đố kị, tham lam, bảo thủ…Tất cả những điều này sẽ dần giết chết sự sáng tạo và lòng dâng hiến cho tổ quốc trong mỗi công dân của mọi dân tộc, làm thui chột nhiều tài năng của tương lai. Chúng ta cần đấu tranh để chống lại những “ kẻ thù” như vậy là yêu nước. Lòng yêu nước cũng có khi thật giản dị bởi đó “ là lòng yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu…” ( I. Ê-ren-bua). Là học sinh, để kế thừa và phát huy truyền thống trên, chúng ta cần tích cực học tập và rèn luyện để sau này có thể cống hiến cho quê hương đất nước. Dù bất cứ đâu, chúng ta cũng hãy khắc ghi những vần thơ yêu nước:
“ Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta, như vợ như chồng
Ôi tổ quốc nếu cần ta sẽ chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi con sông”