Ôn tập đọc hiểu văn bản thơ và truyện thơ

I. Đặc trưng thể loại của thơ trữ tình và truyện thơ

1. Một vài yếu tố của thơ trữ tình

Nhân vật trữ tình

*Khái niệm: Là người trực tiếp bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ,… trong bài thơ nhưng không đồng nhất với tác giả.

*Phân loại: Hai dạng:

– Xuất hiện trực tiếp qua các đại từ nhân xưng (tôi, anh, em, chúng ta, chúng tôi,…)

– Chủ thể ẩn, không có ngôi (nhân danh cái chung, đại diện cho một bộ phận xã hội).

Vần

*Ý nghĩa: tạo cho lời thơ sự kết dính âm vang đầy ấn tượng; làm cho thơ dễ thuộc, dễ nhớ hơn.

*Phân loại:

– Xét về vị trí: vần chân (cước vận), vần lưng (yêu vận).

+ Vần chân là vần được gieo vào cuối dòng thơ, nghĩa là các tiếng ở cuối dòng vần với nhau.

+ Vần lưng là vần được gieo ở giữa dòng thơ, nghĩa là tiếng cuối của dòng trên vần với một tiếng nằm ở giữa dòng dưới hoặc các tiếng trong cùng một dòng thơ hiệp vận với nhau.

– Xét về thanh điệu: vần thanh trắc (T), vần thanh bằng (B).

Nhịp(ngắt nhịp)

*Khái niệm: Là cách tổ chức, sắp xếp sự vận động của lời thơ, thể hiện qua các chỗ dừng, chỗ nghỉ khi đọc bài thơ.

*Nhịp thơ được biểu hiện ở chỗ ngắt chia dòng và câu thơ thành từng vế hoặc ở cách xuống dòng đều đặn ở cuối mỗi dòng thơ.

*Vai trò: tạo tiết tấu, làm nên nhạc điệu của bài thơ, đồng thời cũng góp phần biểu đạt nội dung bài thơ.

Từ ngữ, hình ảnh

– Từ ngữ trong thơ là thứ ngôn ngữ gợi hình, gợi cảm, được chọn lọc, trau chuốt.

– Hình ảnh trong thơ thường được tạo nên bằng việc sử dụng từ ngữ (tượng thanh, tượng hình, từ láy,…) và các biện pháp tu từ (so sánh, ẩn dụ, nhân hoá, hoán dụ, đối,…) giúp nhà thơ miêu tả sống động hoặc truyền tải cảm xúc, tư tưởng mạnh mẽ.

– Cả từ ngữ và hình ảnh thơ đều mang sức gợi cảm lớn, có khả năng chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa.

Cảm hứng chủ đạo trong thơ

– Là trạng thái cảm xúc, tình cảm mãnh liệt, tràn đầy, bao trùm xuyên suốt toàn bài thơ, gắn với một tư tưởng, một cách đánh giá của tác giả.

– Mỗi tác phẩm có thể có nhiều cảm hứng nhưng chỉ có một cảm hứng chủ đạo vì đó là cảm hứng chính, bao trùm tác phẩm.

– Thường có những dạng cảm hứng chủ đạo như: cảm hứng anh hùng, tự hào, bi thương, trào lộng,…

Thông điệp

Là ý tưởng quan trọng nhất, là bài học, là cách ứng xử mà tác giả muốn gửi đến người đọc.

2. Một vài yếu tố của truyện thơ

2.1. Truyện thơ dân gian

1. Đặc điểm cơ bản

Mang các đặc điểm của VH dân gian:

– Tính tập thể.
– Tính truyền miệng.
– Tính nguyên hợp.

2. Phân loại

– Căn cứ vào phương thức biểu đạt chính:
+ Nhóm tự sự – trữ tình (yếu tố tự sự nổi trội hơn).
+ Nhóm trữ tình – tự sự (yếu tố trữ tình nổi trội hơn).
– Căn cứ vào đề tài: 3 nhóm: tình yêu đôi lứa; những người nghèo khổ, bất hạnh; ước mơ công lí, chính nghĩa.

3. Cốt truyện Thường gồm 3 phần:

Gặp gỡ – Thử thách (Tai biến) – Đoàn tụ

4. Nhân vật

– Thường phân loại theo loại: tốt – xấu, thiện ác.
– Được miêu tả qua những biểu hiện bên ngoài (diện mạo, hành động, lời nói) và qua tâm trạng.

5. Ngôn ngữ

Đậm chất dân ca, giàu cảm xúc, giàu hình ảnh, nhạc điệu và các biện pháp tu từ.

6. Tác phẩm tiêu biểu

Tiễn dặn người yêu, Chàng Lú – Nảng Ủa (dân tộc Thái); Út Lót – Hồ Liêu (dân tộc Mường),…

2. 2. Truyện thơ Nôm

1. Văn tự

Chữ Nôm

2. Thể thơ

Phần lớn là thể lục bát.

3. Đặc điểm nội dung

– Phản ánh cuộc sống, xã hội.
– Bộc lộ thái độ, cảm xúc, tâm trạng của nhân vật, tác giả.

4. Đặc điểm hình thức nghệ thuật (cốt truyện, nhân vật, ngôn ngữ, ngôi kể)

– Kết hợp giữa tự sự và trữ tình.
– Cốt truyện: thường xây dựng theo mô hình với ba phần cơ bản: Gặp gỡ – Thử thách – Đoàn tụ
– Nhân vật:
+ được miêu tả với những biểu hiện bên ngoài (diện mạo, dáng vẻ, hành động, ngôn ngữ đối thoại) hơn là con người với đời sống nội tâm (suy nghĩ, cảm xúc, ngôn ngữ độc thoại).
+ Tính cách nhân vật thường tĩnh tại, ít có sự vận động và phát triển.
– Các hình thức ngôn ngữ tự sự:
+ ngôn ngữ gián tiếp (lời tác giả)
=> thường được sử dụng nhiều trong truyện Nôm.
+ ngôn ngữ trực tiếp (lời nhân vật),
+ ngôn ngữ nửa trực tiếp (lời tác giả nhưng theo thể hiện cảm xúc, suy tư, giọng điệu của nhân vật).
– Ngôi kể: thường ở ngôi thứ ba.

5. Phân loại

Tiêu chí: căn cứ vào nội dung và nghệ thuật => Phân thành 2 nhóm lớn:
– Truyện thơ Nôm bình dân: thường khuyết tên tác giả; thường lấy đề tài từ truyện dân gian; ngôn ngữ thường nôm na, mộc mạc.
– Truyện thơ Nôm bác học: đa số có tên tác giả; thường lấy đề tài, cốt truyện từ những tác phẩm cổ của Trung Quốc nhưng được sáng tạo lại; hoặc do tác giả sáng tạo, hư cấu.

6. Tác phẩm tiêu biểu

– Truyện thơ Nôm bình dân: Phạm Tải – Ngọc Hoa; Tống Trân- Cúc Hoa; Thạch Sanh;…
– Truyện thơ Nôm bác học: Truyện Kiều (Nguyễn Du); Hoa Tiên (Nguyễn Huy Tự), Nhị độ mai; Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu); Sơ kính tân trang (Phạm Thái); Bích Câu kì ngộ (Vũ Quốc Trân), ;…

II. Cách đọc hiểu thơ trữ tình và truyện thơ

1. Cách đọc hiểu thơ trữ tình

– Xác định thể thơ và những đặc điểm chính của thể thơ.

– Tìm hiểu chủ thể trữ tình của bài thơ: lời của bài thơ là lời của ai, nói với ai, trong hoàn cảnh nào? Bộc lộ cảm xúc về điều gì?

– Bài thơ có các hình ảnh, từ ngữ, biện pháp tu từ,… đặc sắc nào? Các yếu tố đó có tác dụng ra sao trong việc bộc lộ cảm xúc, suy ngẫm…của tác giả?

– Cảm hứng chủ đạo và chủ đề của bài thơ là gì?

– Chú ý đến những rung động, cảm xúc của mình khi đọc bài thơ.

2. Cách đọc hiểu truyện thơ

– Chú ý khai thác yếu tố tự sự – trữ tình trong truyện.

– Khai thác nhân vật trữ tình qua hành động, cử chỉ, lời nói,… và qua tâm trạng.

– Phân tích những đặc sắc của ngôn ngữ truyện thơ: hình ảnh, từ ngữ, nhạc điệu, các biện pháp tu từ.

– Rút ra những ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm, thông điệp với bản thân.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *