Mỗi con người, ngay khi cất tiếng khóc chào đời ai cũng được lớn lên trong lời ru ngọt ngào của mẹ, trong lời kể chuyện thủ thỉ của bà. Chuyện cổ đã nuôi dưỡng tâm hồn mỗi con người, làm hành trang cho chúng ta trong cuộc đời dài rộng. Bằng tình yêu đối với những câu chuyện cổ của dân tộc, tác giả Lâm Thị Mỹ Dạ đã viết nên bài thơ “Chuyện cổ nước mình”. Với thể thơ lục bát, âm điệu nhẹ nhàng, mang màu sắc ca dao, dân ca, qua bài thơ, Lâm Thị Mỹ Dạ đã ca ngợi vẻ đẹp và ý nghĩa sâu xa của kho tàng chuyện cổ nước mình – nơi chứa đựng bao bài học quý báu của ông cha truyền lại cho con cháu đời sau.
Bài thơ được viết theo thể lục bát giản dị, cách gieo vần linh hoạt cùng với thanh điệu vô cùng hài hòa. Bài thơ có thể chia thành 3 phần: 06 câu đầu là vẻ đẹp của chuyện cổ nước mình; 20 câu tiếp là ý nghĩa của những câu chuyện cổ và 04 câu cuối là suy ngẫm của nhà thơ về sức sống của chuyện cổ. Bằng ngôn ngữ bình dị, sử dụng sáng tạo chất liệu văn hoá dân gian, tác giả đã ca ngợi vẻ đẹp cũng như ý nghĩa của những câu chuyện cổ, khẳng định sức sống của văn hoá truyền thống dân gian để từ đó khơi dậy trong lòng người đọc về niềm tự hào về những giá trị văn hoá tinh thần của cha ông.Tác giả vửa kể, gợi câu chuyện cổ, vừa bộc lộ cảm xúc, suy ngẫm về giá trị của chuyện cổ với mình. Việc kể, gợi nhắc làm cơ sở để bộc lộ suy ngẫm. Mạch tự sự và mạch cảm xúc đan xen, nâng đỡ trong suốt bài thơ, tạo ra chiều sâu triết lí cho bài thơ.
“Chuyện cổ ” là những câu chuyện xa xưa do nhân dân ta sáng tạo ra qua hàng ngàn năm lịch sử, thể hiện tâm hồn Việt Nam, bản sắc nền văn hóa Việt Nam.
Mở đầu bài thơ, nhân vật trữ tình đã khái quát tình cảm của mình với vẻ đẹp của chuyện cổ nước mình:
“Tôi yêu chuyện cổ nước tôi
Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa”
Tình cảm của nhân vật trữ tình được bộc lộ trực tiếp qua từ “yêu”. Tình cảm đó cho thấy sự trân trọng, gắn bó, say mê của “tôi” đối với kho tàng chuyện cổ dân tộc. Lí do mà “tôi” lại yêu chuyện cổ nước mình vì chính vẻ đẹp của nó. Nhà thơ sử dụng các tính từ để khái quát vẻ đẹp của chuyện cổ: “nhân hậu” – “tuyệt vời” – “sâu xa”. Chỉ cần ba tính từ đã đủ để khẳng định những giá trị cốt lõi của chuyện cổ.
Những vẻ đẹp của chuyện cổ được cụ thể hoá qua những đạo lí được cha ông gửi gắm:
Thương người rồi mới thương ta
Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm
Ở hiền thì lại gặp hiền
Người ngay thì gặp người tiên độ trì
Vẻ đẹp nhân hậu, tuyệt vời, sâu sa hay cũng chính là vẻ đẹp của tâm hồn, trí tuệ cha ông đúc kết. Đó là bài học về lối sống giàu lòng nhân ái, chan chứa tình thương giữa con người với con người “Thương người rồi mới thương ta”; ân nghĩa, thuỷ chung trong tình yêu “Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm”; cũng như niềm tin về lẽ công bằng trong xã hội “Ở hiền thì lại gặp hiền”. Điều thú vị là những dẫn chứng về vẻ đẹp của chuyện cổ lại được tác giả khéo léo gợi nên qua những chất liệu văn hoá dân gian – vốn là sản phẩm tinh thần của cha ông. Đó là những câu tục ngữ, ca dao được tác giả gợi lên qua một số từ hoặc cụm từ như câu ca dao “Yêu nhau mấy núi cũng leo- Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua” hay qua câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân”, “Ở hiền gặp lành” hay . Triết lí bao quát hầu hết trong các chuyện cổ là triết lí “Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”, thể hiện niềm tin của nhân dân ta gửi gắm trong chuyện cổ. Câu thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ gợi nhớ trong lòng ta bao chuyện cổ, bao hình ảnh, bao nhân vật. Anh trai cày hiền lành được Phật trao cho câu thần chú: “Khắc nhập! Khắc xuất” mà lấy được vợ đẹp con nhà giàu (Truyện “Cây tre trăm đốt”). Người em cần cù, trung hậu được con chim phượng hoàng đền đáp “ăn một quả trà cục vàng” mà trở nên giàu có hạnh phúc; trái lại người anh tham lam mà chết chìm xuống đáy biển (Truyện “Cây khế”. Thạch Sanh được Tiên “độ trì” mà trở nên võ nghệ cao cường, có lắm phép thần thông biến hóa, đã giết chết Trăn tinh, bắn chết Đại Bàng, có đàn thần để lui giặc, được làm phò mã, rồi được làm vua; trái lại Lý Thông gian tham, độc ác, quỷ quyệt bị sét đánh rồi hóa thành bọ hung… Như vậy khẳng định, chuyện cổ nước mình đã phản ánh cuộc sống một cách sâu sắc, kết tinh những vẻ đẹp tình cảm, tư tưởng của người xưa, đặc biệt là tình người rộng lớn.
Kết tinh những giá trị tinh thần, về đẹp tâm hồn, trí tuệ của người xưa nên chuyện cổ có ý nghĩa vô cùng lớn lao với muôn đời.
Chuyện cổ nước mình đã trở thành hành trang tinh thần, đem đến cho nhân vật trữ tình sức mạnh để vượt qua mọi thử thách “nắng mưa” trong cuộc đời, để đi tới mọi miền quê, mọi chân trời xa xôi đẹp đẽ:
“Mang theo truyện cổ tôi đi
Nghe trong cuộc sông thầm thì tiếng xưa.
Vàng cơn nắng, trắng cơn mưa
Con sông chảy có rặng dừa nghiêng soi”.
Nhân vật trữ tình trong bài thơ lớn lên từ những câu chuyện cổ qua lời kể của bà, của mẹ. Trên hành trình vô tận của cuộc sống, “tôi” có được những câu chuyện cổ là hành trang để khám phá cuộc sống. Chuyện cổ trở thành hành trang tinh thần, là điểm tựa cho “tôi” trong cuộc đời. Biện pháp nhân hóa kết hợp với đảo ngữ “thì thầm tiếng xưa” để khẳng định giá trị của chuyện cổ của cha ông với cuộc sống hôm nay. “Tiếng xưa” là ẩn dụ chỉ tiếng nói, lời răn dạy của cha ông gửi gắm trong những câu chuyện. Giá trị tinh thần, triết lí nhân sinh, truyền thống văn hóa của cha ông có sức sống mãnh liệt, bồi đắp tâm hồn nhà thơ, làm hành trang trong cuộc đời “tôi”. Không chỉ bồi đắp tâm hồn, “tôi” còn trở nên vững vàng, tự tin trong cuộc đời dài rộng “Vàng cơn nắng, trắng cơn mưa”. Dẫu cuộc đời sau này có lắm “nắng”, “mưa” thử thách nhưng nhờ có hành trang chuyện cổ – những giá trị tinh thần, lời dạy của cha ông soi sáng, dẫn lối thì mỗi người sẽ an nhiên trước cuộc đời, giống như dòng sông kia vẫn luôn yên bình chảy trôi soi bóng hàng dừa, ta sẽ luôn cảm nhận được vẻ đẹp của cuộc sống từ những điều bình dị nhất.
Không chỉ làm hành trang mang theo của mỗi người, chuyện cổ còn là phương tiện kết nối quá khứ và hiện tại, là sợi dây kết nối giữa ông cha với con cháu:
Đời cha ông với đời tôi
Như con sông với chân trời đã xa
Chỉ còn truyện cổ thiết tha
Cho tôi nhận mặt ông cha của mình
Trong dòng chảy miên viễn của thời gian, có bao giá trị bị quên lãng, chôn vùi. Những lời dạy của cha ông, những thế hệ đi trước liệu thế hệ cháu con có biết đến? Bằng giọng thơ mang nặng suy ngẫm, triết lí, nhà thơ đã bày tỏ lòng biết ơn đối với những chuyện cổ, nhờ đó mà thế hệ nhà thơ mới biết được bộ mặt tinh thần của cha ông. Mối liên hệ giữa “đời cha ông”- thế hệ đi trước với “đời tôi” – thế hệ sau được so sánh với mối liên hệ giữa con sông với chân trời đã xa. Như dòng sông bắt đầu từ phía chân trời, cứ chảy mải miết theo dòng thời gian, ngày càng xa điểm khởi thuỷ. Cuộc đời con người cũng vậy, các thế hệ đi trước rồi sẽ dần rơi vào chiều sâu quá khứ, thế hệ sau gánh vác trách nhiệm lịch sử của thế hệ trước, tiếp tục làm dày thêm truyền thống văn hoá. Khoảng cách thời gian giữa các thế hệ được ví với khoảng cách không gian địa lí con sông – chân trời. Điệp từ “với” nhấn mạnh quan hệ gắn kết giữa các thế hệ, tạo sợi dậy liên tưởng. Có bao giá trị, bao lời dạy mà cha ông muốn gửi gắm đến con cháu đời sau, chỉ có một phương tiện có thể làm cầu nối – đó chính là những câu chuyện cổ. Chính những câu “chuyện cổ thiết tha” đã giúp tác giả “nhận mặt cha ông” tức là nhận ra, thấu hiểu được thế giới tinh thần, tâm hồn, lối sống, phong tục, tập quán,… được ghi dấu trong những câu chuyện từ ngàn xưa. Lời thơ thể hiện tình cảm yêu mến sâu nặng của tác giả với thế giới chuyện cổ nói riêng và những giá trị văn hoá dân tộc nói chung.
“Rất công bằng, rất thông minh
Vừa độ lượng lại vừa đa tình, đa mang”
Nhà thơ khẳng định, đánh giá vẻ đẹp nhân văn của chuyện cổ bằng từ ngữ vô cùng ý nghĩa: công bằng, thông minh, độ lượng, đa tình, đa mang. Đó là những phẩm chất, đức tính quan trọng để hình thành nhân cách của con người.
Có biết bao chuyện cổ đã sáng ngời những vẻ đẹp đáng quý đó:
Thị thơm thì giấu người thơm
Chăm làm thì được áo cơm cửa nhà
Đẽo cày theo ý người ta
Sẽ thành khúc gỗ chẳng ra việc gì
Tôi nghe truyện cổ thầm thì
Lời cha ông dạy cũng vì đời sau.
Đậm đà cái tích trầu cau
Miếng trầu đỏ thắm nặng sâu tình người.
Những câu chuyện cổ được gợi ra trong kí ức của tác giả là những câu chuyện đã in dấu ấn trong đời sống, phong tục, tập quán xưa, những quan niệm của người xưa. Đó là câu chuyện Tấm Cám được gợi lên qua qua câu thơ: “Thị thơm thì giấu người thơm”. Hình ảnh ẩn dụ đặc sắc “người thơm” khiến người đọc liên tưởng đến cô Tấm ngoan hiền, trong sáng, hay lam hay làm. Chuyện cổ “Tấm Cám” cùng hình ảnh cô Tấm gửi gắm triết lí về đức tính chăm chỉ của con người trong cuộc sống “Chăm làm thì được áo cơm, cửa nhà”. Đó còn là bài học cần có chính kiến, chủ động trong cuộc sống, không nên chỉ làm theo lời người khác được cha ông khéo léo cài vào câu chuyện “Đẽo cày giữa đường”. Hay bài học về tình nghĩa anh em, vợ chồng sâu đậm được gửi gắm qua câu chuyện “Sự tích trầu cau” được gợi nhắc đến trong câu thơ “Đậm đà cái tích trầu cau – Miếng trầu đỏ thắm nặng sâu tình người”…. Nhà thơ không kể tên tác phẩm chuyện cụ thể, cũng không tóm tắt, liệt kê sự việc mà tác giả chỉ khéo léo gợi lên tác phẩm chuyện cổ qua một vài hình ảnh, ý nghĩa của chuyện cổ. Cả thế giới chuyện cố như sống dậy trong trang thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ. Lời thơ nối tiếp nhau vẽ ra cả một thế giới chuyện cổ sống động, nơi đó đã kết tinh bao vẻ đẹp tâm hồn, trí tuệ cùng bao lời dạy sâu xa mà cha ông gửi gắm đời sau. Đọc mỗi câu chuyện cổ và suy ngẫm, trong tim mỗi người như thầm thì lời nói cha ông. Nhờ có những câu chuyện cổ mà thế hệ hôm nay và mai sau biết được gương mặt tâm hồn của cha ông mình và biết sống sao cho đúng với những lời dạy quý báu mà cha ông gửi gắm.
Bốn câu thơ cuối bài là những suy ngẫm của nhân vật trữ tình về sức sống lâu bền của chuyện cổ nước mình:
“Sẽ đi qua cuộc đời tôi
Bấy nhiêu thời nữa chuyển dời xa xôi.
Nhưng bao chuyện cổ trên đời
Vẫn luôn mới mẻ rạng ngời lương tâm”
Bằng nghệ thuật đối lập ý thơ ở hai câu trên với hai câu dưới, nhân vật trữ khẳng định một điều chắc chắn: dù thời gian có “chuyển dời”, dù có trải qua bao thế hệ về sau thì giá trị của những câu chuyện cổ của cha ông vẫn luôn “mới mẻ”, toả sáng, đủ sức soi đường cho các lớp lớp cháu con. Chuyện cổ không chỉ có giá trị to lớn với thế hệ hôm nay – thế hệ mà “tôi” đang sống mà sẽ còn nguyên vẹn giá trị với các thế hệ tương lai mai sau. Dù thời gian có khắc nghiệt đến đâu thì cũng không thể làm hư hao, mất mát, mờ đi vẻ đẹp quý báu của những chuyện cổ. Thế giới chuyện cổ sẽ không bao giờ cũ đi, thậm chí còn luôn “mới mẻ” vẫn vẹn nguyên giá trị tinh thần, giống như một viêc ngọc toả sáng mãi cùng thời gian để mỗi thế hệ người đọc sẽ tìm thấy ở đó những giá trị chân thiện mĩ, để mỗi lần đọc sẽ thấy những lời dạy của cha ông vẫn nguyên giá trị hiện sinh, làm tâm hồn con người thêm trong lành, hướng thiện hơn.
“Chuyện cổ nước mình” của Lâm Thị Mỹ Dã là bài thơ thành công cả về phương diện nội dung và nghệ thuật. Điểm thành công của bài thơ trước hết ở việc đề cập vấn đề triết lí sâu sắc nhưng bằng giọng thơ nhỏ nhẹ, tâm tình khiến lời thơ dễ đi sâu vào tâm hồn người đọc. Nhà thơ đã viết nên những vần thơ dịu dàng tha thiết, mang vẻ đẹp văn hóa, chở cả tình yêu thương, lấp lánh vẻ đẹp của nghệ thuật bởi trái tim chân thành, nhân hậu, dịu dàng. Bằng thể thơ lục bát dễ đọc, dễ nhớ; ngôn ngữ trong sáng, giản dị; sử dụng sáng tạo chất liệu văn hoá dân kết hợp với các biện pháp tu từ như nhân hóa, so sánh, liệt kê,…, bài thơ của nữ nhà thơ gốc Quảng Bình đã ngợi ca vẻ đẹp, truyền thống văn hoá của dân tộc ta qua những câu chuyện cổ. Qua bài thơ, nhà thơ gián tiếp khẳng định kho tàng chuyện cổ nước nhà có giá trị vô cùng to lớn và sẽ tồn tại mãi muôn đời sau. Lâm Thị Mỹ Dạ cũng thể hiện sự am hiểu chuyện cổ và vốn văn hoá dân gian; đồng thời nhà thơ bày tỏ tình yêu và niềm tự hào với truyền thống văn hoá nói chung và chuyện cổ nói riêng. Với Lâm Thị Mỹ Dạ, đất nước không chỉ đẹp bởi núi sông biển cả hùng vĩ, phong cảnh nên thơ mà làm nên chiều sâu vẻ đẹp đất nước còn bởi những truyền thống văn hoá, giá trị tinh thần – những điều cốt lõi đã làm nên gương mặt tâm hồn người dân Việt Nam. Nhà thơ cũng gián tiếp gửi tới mọi người thông điệp cần trân trọng và giữ gìn văn hoá dân gian cũng những giá trị tốt đẹp của truyền thống dân tộc.
Bài thơ đã giúp mỗi tuổi thơ chúng ta yêu thêm chuyện cổ của đất nước mình, dân tộc mình. Đọc bài thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ, chúng ta mới hiểu rõ vì sao nhân dân ta từ người trẻ đến người già, ai cũng yêu, cũng thích chuyện cổ nước mình.