Phân tích bài thơ “Sang thu” của nhà thơ Hữu Thỉnh

I – Mở bài

Trong kho tàng văn học Việt Nam  đã  xuất hiện nhiều   thi phẩm viết về đề tài mùa thu, thể hiện tình yêu say đắm với thiên nhiên và tấm  lòng  trĩu  nặng   với cuộc đời. Ta bắt gặp “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư, “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu,chùm ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến. Hữu Thỉnh cũng đóng góp vào kho tàng thơ thu ấy môt thi phẩm đặc sắc: “Sang thu”. Bài thơ mở ra trước mắt  bạn đọc một không gian thiên nhiên  đẹp  đẽ  giữa sự chuyển mình của thiên nhiên  từ  hạ  sang  thu. Hơn  thế  nữa  bài thơ còn thể hiện tâm hồn trong sáng , sự cảm nhận tinh tế  nhạy cảm của nhà thơ với một cách thể hiện  mới mẻ và độc đáo.

II – Thân bài

a. Khái quát

– Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được sáng tác năm 1977 khi đất nước mới giành được độc lập 2 năm. Đây cũng là một trong những mùa thu và những người lính như Hữu Thỉnh lần đầu tiên được cảm nhận vẻ đẹp của nó  trong không khí hòa bình.

– Chủ đề tác phẩm: Bằng tâm hồn nhạy cảm, bằng tình yêu mùa thu, quê hương nhà thơ đã mở rộng lòng mình để đón nhận giây phút chuyển mình của cảnh vật, đất trời từ cuối hạ sang đầu thu. Đồng thời bộc lộ những chiêm nghiệm, những suy ngẫm về con người, về cuộc đời  vốn đầy dẫy những khó khăn thử thách.

b. Phân tích thơ

– Thiên nhiên là sự ban tặng của trời đất. Chúng đều có một quy luật vận hành mà tất cả vạn vật phải hoạt động theo quy luật ấy. Sự giao mùa là giờ khắc rất thiêng liêng không phải ai cũng cảm nhận được. Bằng tình yêu say đắm với thiên nhiên Hữu Thỉnh đã miêu tả bức tranh thiên nhiên đất nước  một cách rất nên thơ .

–  Mở đầu bài thơ, một cảm hứng ngẫu nhiên đến với tác giả:

“ Bỗng nhận ra hương ổi”

– “ Bỗng” – Một sự ngẫu nhiên, ngỡ ngàng như duyên cớ vô tình. Một hương vị dìu dịu, thoáng qua man mác, hương vị thân quen của mỗi làng quê Việt Nam. Hương ổi gợi cho ta cái vị giòn giòn chua chua nơi đầu lưỡi. Cái hương vị ấy xen lẫn trong làn gió se hơi lành lạnh, tạo cho ta một cảm giác dễ chịu, khoan khoái, một cảm giác yên bình nơi thôn xóm. Động từ “ phả” là một động từ rất đặc biệt.

– Tác giả không dùng “tỏa” hay “ thổi” mà dùng “ phả”. Có lẽ đây là một dụng ý nghệ thuật  của tác giả. Mùa thu như đang chờ đón, đang mong đợi thời gian trôi qua. Để khi thời khắc đến, mùa thu xuất hiện đột ngột và bất ngờ. Tất cả cảnh vật qua lăng kính của nhà thơ được cảm nhận  một cách mới mẻ, nhạy cảm bằng tất cả các giác quan  của mình. Bằng xúc giác , khứu giác nhà thơ nhận ra “ Hương ổi phả và trong gió se”. Bằng thị giác  nhà thơ nhận thấy:

“Sương chùng chình qua ngõ”

– Làn sương đầu thu bồng bềnh, nhẹ nhàng trôi trong làn gió se như giăng , như  đón con người. Sương chùng chình lặng lẽ lướt  qua  như  bóng   dáng  quen  thuộc  của làng quê. Sương như  cô  gái  quê  trong  tà  áo  dài e lệ , ngại ngùng. Bức tranh mộc  mạc  như  hiện  ra  trước mắt  người đọc một cái hồn quê trong  sáng  thân  thương .Tất  cả dưới ngòi bút của Hữu Thỉnh đều  diễn  ra  một  cách  hết  sức  nhẹ  nhàng. Nhẹ  nhàng thôi nhưng trong thâm tâm nhà thơ nhận thấy “Hình như thu đã về”.  Phân vân , bối rối: Thu đã về, mình phải làm sao đây?

Ở  khổ thơ thứ hai, tâm hồn  nhà  thơ  như chan hòa cùng thiên nhiên:

“ Sông được lúc dềnh dàng

                               Chim bắt đầu vội vã”

– Dòng  sông ngày ngày vẫn chảy mạnh  mẽ, hối hả giữa tiết trời  mùa  hè, Thì  hôm nay, khi  mùa  thu  đến, dòng sông  êm đềm, lững lờ trôi, khoan thai chậm rãi. Ngược  lại , những  đàn chim thì hối hả chuẩn bị hành trang tránh rét. Hai hình ảnh  đối lập giữa dòng sông và đàn chim càng làm rõ  hơn  không  gian mùa thu đã về. Mùa thu đã về trải dài trên những   nẻo  đường , trên  từng  dòng sông, từng cánh đồng quê hương  với   cách miêu tả  vừa cụ thể mà sinh động .

Tiếp theo là một hình ảnh nhân hóa  rất mới mẻ và độc đáo:

“ Có đám mây mùa hạ

                                  Vắt nửa mình sang thu”

– Nửa mây mùa hạ còn đây mà nửa kia đã muốn chuyển mùa sang thu. Đám mây không còn đen kịt, báo hiệu một trận mưa giông đữ dội nữa mà nhởn nhơ, lơ lửng từng không vừa như níu kéo mùa hạ, vừa nhùng nhằng  muốn bước sang mùa thu. Hình ảnh :  “ Có đám mây mùa hạ , Vắt nửa mình sang thu” là một hình ảnh lạ và độc đáo. Vừa tạo cho người đọc cảm giác bâng khuâng, xao xuyến.

     Ở khổ thơ thứ ba, dấu hiệu của mùa thu càng trở nên rõ rệt:

“ Vẫn còn bao nhiêu nắng

                           Đã vơi dần cơn mưa

                         Sấm cũng bớt bất ngờ

                           Trên hàng cây đứng tuổi”

– Thu đã sang, đã sang thật rồi, nhưng dư âm  của mùa hạ vẫn còn chưa phai. Nắng vẫn còn nhưng mưa đã giảm. Đây là một thực tế  của thời tiết Bắc bộ nước ta. Khi thu sang trời vẫn còn  khá nắng cho dù những cơn gió mát đã xoa dịu phần nào. Mặt trời  vẫn ngày ngày chiếu rọi những ánh nắng vàng rực rỡ xuống mặt đất như  luyến tiếc một mùa hạ đã qua. Và mưa không còn xối xả, dữ dội như mùa hạ, những cơn mưa nhẹ dần và thưa dần. Đó là đặc trưng khí hậu mùa thu xứ Bắc.

– Kết thúc bài thơ Hữu Thỉnh cho ta thấy một  hình ảnh ẩn dụ đầy triết lí của cuộc đời:

Sấm cũng bớt bất ngờ

                           Trên hàng cây đứng tuổi” 

– Hai câu thơ vừa đúng với đặc trưng của thiên nhiên vừa là những  trải nghiệm đúng đắn của cuộc đời  con người  . khi cơn mưa vơi dần thì sấm không còn dữ dội nữa. Với những tiếng sấm yếu ớt của mùa thu không làm  cho hàng cây , nhất là hàng cây  già cổ thụ thấy nguy hiểm , sợ hãi. Những cây cao, bóng cả là nơi trung tâm  để sấm sét đánh vào vừa có nghĩa thực , vừa mang nghĩa tượng trưng. Sấm vừa tượng trưng cho những vang động bất thường, những khó khăn , trắc trở của cuộc đời.

“Hàng cây đứng tuổi” là hình ảnh của những con người từng trải , chín chắn. Những khó khăn nguy hiểm  thời tuổi trẻ không làm cho họ sợ hãi, nản lòng. Kinh nghiệm  và nghị lực giúp họ đứng vững trước những khó khăn , bất trắc của cuộc đời. Thật là một triết lí sâu xa.

III – Kết bài

Chỉ vẻn vẹn có sáu mươi chữ, với ba khổ thơ, với giọng điệu nhẹ nhàng, nhiều hình ảnh lạ và độc đáo, Hữu Thỉnh đã cảm nhận  bằng cả tâm hồn mình những biến chuyển nhẹ nhàng  mà tinh tế của thiên nhiên , trời đất lúc sang thu. Qua bài thơ ta còn thấy cách gieo vần độc đáo, những biện pháp  tu từ  nhân hóa , ẩn dụ được sử dụng đúng chỗ. Cách dùng từ chính xác mà giàu sức gợi hình, gợi cảm. Chính điều này  đã khiến Sang thu trở thành một tác phẩm không thể quên  về mùa thu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *