I – Mở bài
– Giới thiệu về tác giả Bằng Việt và bài thơ “Bếp lửa”.
– Dẫn dắt vào khổ thơ thứ 2 của tác phẩm: Những kí ức đầy xúc động về tuổi thơ được sống bên bà.
II – Thân bài
– Suy ngẫm về cuộc đời bà:
+ Dằng dặc thời gian – “mấy chục năm rồi…”: những cơ cực bà gánh vác như miên man, dằng dặc..
+ Chất chồng khó nhọc: Từ láy “lận đận”, ẩn dụ “nắng mưa” thể hiện cuộc đời bà đầy lo toan, vất vả, không thể đong đếm
=> cảm nhận của người cháu đã cùng bà trải qua bao khó nhọc, thấu hiểu bà đến tận cùng mọi đắng cay.
– Suy ngẫm về hình ảnh của bà và ý nghĩa cao cả, thiêng liêng của công việc nhóm lửa:
+ Vừa bình dị đời thường: được gợi nhắc qua thói quen “dậy sớm”, “nhóm bếp lửa”. Bà đã làm công việc khởi đầu của một ngày- nhóm bếp lửa mỗi sớm mai trong gian bếp để sưởi ấm, để nấu bữa ăn cho gia đình=> sự đảm đang, tần tảo và tấm lòng ấm áp yêu thương
+ Vừa thiêng liêng cao cả: Bà làm công việc khởi đầu của một đời – bồi đắp tâm hồn, thắp lên những tình cảm cao quí trong tâm hồn cháu, bà truyền cho cháu: Tình yêu thương ruột thịt “nhóm niềm yêu thương”; Tình đoàn kết chia sẻ xóm làng “Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui”; Và đặc biệt, bà còn khơi dậy “những tâm tình tuổi nhỏ”, thức dậy trong cháu bao ước mơ và tình cảm tốt đẹp.
-> Như vậy:
+ Bà không chỉ là người nhóm lửa mà còn là người giữ lửa, truyền lửa
+ Ngọn lửa bà truyền cho cháu là ngọn lửa của tình yêu, niềm tin, đức hi sinh
+ Không chỉ bà truyền lửa cho cháu mà đây còn là sự trao truyền của thế hệ trước đối với thế hệ sau
– Cảm xúc, tình cảm của tác giả khi khám phá ra ý nghĩa kì lạ và thiêng liêng của bếp lửa: “Ôi kỳ lạ và thiêng liêng-bếp lửa!
Câu cảm thán, từ “ôi” ở đầu câu: sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng, xúc động của cháu:
+ Kì lạ bởi bếp lửa chỉ được nhóm bằng củi rơm thông thường lại có sức sống phi thường tồn tại qua mọi đói khát, đạn bom, nắng mưa luân chuyển.
+ Thiêng liêng bởi nó nuôi dưỡng tâm hồn với yêu thương và gắn bó, sẻ chia và hi vọng. , niềm tin và nghị lực.
– Người cháu yêu thương, trân trọng, nhớ về bà, về bếp lửa như nhớ một miền ký ức thân thương và cũng chính là nhớ về quê hương, cội nguồn với lòng tri ân sâu nặng.
III – Kết bài
– Khái quát lại nội dung của khổ thơ.
– Đánh giá, nhận xét, cảm nhận của cá nhân
Bài văn tham khảo
Tình cảm gia đình là một chủ đề lớn trong thơ văn Việt Nam, đã có rất nhiều cây bút tài năng, nhiều tác phẩm xuất sắc viết về gia đình – nguồn cội, chốn yêu thương trong cuộc đời mỗi người. Chúng ta từng xúc động trước tình cảm của ông Sáu và bé Thu trong Chiếc lược ngà, từng rung động trước tấm lòng người mẹ trong Con cò của Chế Lan Viên, và chắc hẳn chúng ta cũng không thể nào quên được hình ảnh một người bà tận tụy, sớm hôm tảo tần, vì con vì cháu, giàu tình yêu thương trong Bếp lửa của Bằng Việt. Bài thơ viết về bà, về những kí ức tuổi thơ gian khó nhưng ấm áp bên bà, đặc biệt trong khổ thơ thứ 2, tác giả đã tái hiện đầy xúc động về những ngày tháng sống bên bà:
“Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi
Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
Nghĩ lại đến giờ sống mũi vẫn còn cay!”
Khi trưởng thành, những kỉ niệm về những ngày tháng sống bên bà vẫn là những kí ức đẹp đẽ, là “hành trang” ấm áp, giá trị nhất mà người cháu luôn mang theo bên mình.
“Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói”
Kí ức năm lên bốn tuổi vẫn còn đó, mùi khói của bếp lửa đã mở ra những kỉ niệm về tuổi thơ gian khó và cả những nỗi nhớ da diết khôn nguôi. Mùi khói của bếp lửa hay vị yêu thương được hun đúc từng ngày khi cháu bên bà.
Trong những năm tháng ấy, bên bếp lửa cháu cùng bà sẻ chia những bữa cơm nghèo, mùi khói hun vương vấn trong kí ức tuổi thơ cơ cực mà ấm áp. Mùi khói không biết tự bao giờ trở nên quen thuộc, trở thành một phần không thể thiếu của tuổi thơ cháu. Tuổi thơ của người cháu tuy không nhuốm sắc hồng viên mãn của sự đủ đầy nhưng vẫn đầy niềm vui khi được sống trong tình yêu thương và che chở của người bà kính mến.
“Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi
Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy”
Một hiện thực trần trụi của những năm tháng tuổi thơ được tái hiện bằng lời thơ trần thuật đầy tinh tế. Hai câu thơ chỉ với 16 tiếng mà đã mở ra cả bầu không khí đói khổ, cùng cực của người dân lúc bấy giờ. Trong nạn đói, ai cũng rơi vào cảnh khốn cùng, ngôi làng nhỏ của tác giả phải chịu đói, chịu lầm than trước sự tàn phá của lũ giặc cướp nước “đói mòn”, “đói mỏi”. Bố mưu sinh chăm lo cho gia đình, bươn chải ngày ngày đến héo mòn ” khô rạc ngựa gầy”. Cái đói, cái nghèo dai dẳng của quê hương đã in sâu trong tâm trí tác giả khi còn là một cậu bé “lên bốn”. Đọc đến những câu thơ thực ấy, khiến ai cũng ngậm ngùi, xót xa bởi những thăng trầm nơi làng quê năm ấy, đồng cảm với những nhọc nhằn, vất vả của bao người lao động nghèo cơ cực, khốn khó.
Nhớ về những năm tháng xưa, lòng nhà thơ như nghẹn lại:
“Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay”
Những kí ức in đậm trong tâm trí khiến người cháu như cảm nhận trọn vẹn hương vị cay nồng quen thuộc của mùi khói để giờ đây khi nghĩ lại mọi cảm xúc như vỡ òa khiến “sống mũi còn cay”. Bao kỉ niệm yêu thương bên bà và cả những xót xa, cay đắng của cuộc sống cơ cực, đói khổ vẫn còn vẹn nguyên.
Bằng bút pháp tả, kể kết hợp với biểu cảm, ngôn ngữ thơ mộc mạc, giản dị nhưng giàu sức gợi, chỉ với năm câu thơ ngắn thôi mà tác giả đã lay động tâm can người đọc. Mùi khói từ bếp lửa, từ bàn tay gầy guộc mà bà nhen nhóm đã khơi dậy trong lòng cháu bao nhiêu tình cảm thiết tha, hồn hậu mà đẹp đẽ. Đọc khổ thơ nói riêng và bài thơ nói chung, ta càng thêm yêu, thêm quý quê hương mình, chút gì đó nghẹn ngào, xúc động và tự hào về những người bà một đời tần tảo bên cháu con:
“Đôi mắt càng già càng thấm thía yêu thương
Dù da dẻ khô đi tấm lòng không hẹp lại
Giàu kiên nhẫn bà còn hi vọng mãi
Chỉ mỗi ngày rắn lại ít lời thêm”