Viết đoạn văn cảm nhận hình ảnh “Đầu súng trăng treo”

“Đồng chí” là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất của nhà thơ Chính Hữu. Bài thơ được kết thúc bằng một hình ảnh thơ rất đẹp: “Đầu súng trăng treo”.  Đây trước hết là một hình ảnh thực. Nó có thể hiểu là: Đêm khuya, trăng tà, cả cánh rừng ngập chìm trong sương muối. Trăng lơ lửng trên không, chiếu ánh sáng qua lớp sương mờ trắng, đục. Bầu trời như thấp xuống, trăng như sà xuống theo. Trong khi đó, người chiến sĩ khoác súng trên vai, đầu súng hướng lên trời cao như chạm vào vầng trăng và trăng như treo trên đầu súng. Song lời thơ có lẽ không chỉ có vậy. Xưa nay, “Trăng”là biểu tượng cho vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, là sự sống thanh bình. “Súng”là hiện thân cho cuộc chiến đấu gian khổ, hi sinh và chiến tranh khooscs liệt. Súng và trăng, cứng rắn và dịu hiền. Súng và trăng, chiến sĩ và thi sĩ, hiện thực và lãng mạn.  Hai hình ảnh đó trong thực tế vốn xa nhau vời vợi thậm chí là trái ngược với nhau nay lại gắn kết bên nhau trong cảm nhận của người chiến sĩ.  Sự  kết hợp hai yếu tố, hiện thực và lãng mạn đã tạo nên cái vẻ đẹp độc đáo cho hình tượng thơ đồng thời gợi lên vẻ đẹp của người lính cách mạng. Họ không chỉ là những con người có lí tưởng cao đẹp, có lòng yêu nước nồng nàn, có tinh thần quả cảm, kiên cường mà còn là những con người có tâm hồn lãng mạn. Và phải chăng, cũng chính vì lẽ đó, Chính Hữu đã lấy hình ảnh  này làm nhan đề cho cả tập thơ của mình – tập “Đầu súng trăng treo” – một bông hoa đầu mùa trong vườn thơ cách mạng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *