I. Mở bài:
“ Ba sẽ là cánh chim, đưa con đi thật xa” (Cho con – Phạm Trọng Cầu). Gia đình là chiếc nôi, là điểm tựa đề nuôi lớn đời ta. Mượn lời nói với con gái nhỏ, Y Phương gợi về cuội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người; bộc lộ niềm tự hào về truyền thống cần cù, sức sống bền bỉ, mạnh mẽ của quê hương và dân tộc mình. Lời tâm tình chân thành mộc mạc mà sâu sắc của người cha hiền từ, là điểm tựa tinh thần vững chắc cho con bước vào đời. Tình cảm gia đình là điều thiêng liêng nhất của loài người. Gia đình là cái nôi và là môi trường sống đầu tiên góp phần quyết định nên nhân cách và tài năng của một con người. Gia đình cũng là một tế bào quan trọng của một đất nước và của thế giới. Có một tác phẩm mà qua đó chúng ta có thể thấy được tình cảm gia đình được thể hiện một cách tính tế, sâu sắc, và cảm động đó là đoạn thơ Nói với con. Đoạn thơ đã thể hiện rõ đề tài tình cảm gia đình và để lại cho người đọc nhiều thông điệp ý nghĩa.
II. Thân bài
“Thơ là người thư ký trung thành của những trái tim” (Đuy – Be – lay), là hành trình “Đi từ trái tim để đến với trái tim ” (Ple -Kha- Nop).
Giới thiệu khái quát:
– Nhà thơ Y Phương – người dân tộc Tày với phong cách thơ mộc mạc, giản dị, hồn nhiên đã thể hiện chân thành xúc động qua bài thơ tiêu biểu“Nói với con”. Bài thơ thể hiện tình yêu thương con thắm thiết của một người cha, niềm tự hào về quê hương và niềm mong ước con sẽ kế thừa truyền thống tốt đẹp của quê hương. Trong bài thơ lời dặn dò đầy yêu thương của người cha là những thanh âm tha thiết, đặc biệt là đoạn trích sau để lại nhiều cảm xúc trong lòng người đọc:
“Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười
Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng
Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.”
1. Luận điểm: Chủ đề tình cảm gia đình trong đoạn trích
Con lớn lên trong sự yêu thương của cha mẹ và sự đùm bọc của quê hương
+ Nhịp thơ 2/3, cấu trúc đối xứng, phép điệp ngữ, tạo ra một âm điệu tươi vui, quấn quýt: “chân phải” – “chân trái”, rồi “một bước” — “hai bước”, rồi lại “tiếng nói” – “tiếng cười”….
+ Hình ảnh cụ thể, giàu chất thơ kết hợp với nét độc đáo trong tư duy, cách diễn đạt của người miền núi, bốn câu thơ mở ra khung cảnh một gia đình đầm ẩm, hạnh phúc, đầy ắp niềm vui, đầy ắp tiếng nói cười.
(+ Lời thơ gợi vẽ ra trước mắt người đọc hình ảnh em bé đang chập chững tập đi, đang bị bô tập nói, lúc thì sa vào lòng mẹ, lúc thì níu lấy tay cha.
+ Ta có thể hình dung được gương mặt tràn ngập tình yêu thương, ánh mắt long lanh rạng rỡ cùng với vòng tay dang rộng của cha mẹ đưa ra đón đứa con vào lòng.
+ Từng câu, từng chữ đều toát lên niềm tự hào và hạnh phúc tràn đầy. Cả ngôi nhà như rung lên trong “tiếng nói”, “tiếng cười” của cha, của mẹ. Mỗi bước con đi, mỗi tiếng con cười đều được cha mẹ đón nhận, chăm chút mừng vui. Trong tình yêu thương, trong sự nâng niu của cha mẹ, con lớn khôn từng ngày.)
=> Gia đình yêu thương chính là chiếc nôi đầu tiên nuôi con khôn lớn, là cội nguồn sinh dưỡng quan trọng nhất của cuộc đời mỗi người.
=> Lời thơ ngay từ đầu đã chạm đến sợi dây tình cảm gia đình sâu kín của mỗi con người nên tạo được sự đồng cảm, rung động sâu sắc đến độc giả.
Con lớn lên trong cuộc sống cần cù, tươi vui của người đồng mình. (3 dòng tiếp theo)
Người đồng mình yêu lắm, con ơi!
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát.
– Quê hương hiện ra qua hình ảnh của người đồng mình là những người bản mình, người vùng mình, người dân quê mình gần gũi, thân thương.
– Cách gọi như thế, cùng với hô ngữ “con ơi” khiến lời thơ trở nên tha thiết, trìu mến.
– Những con người đáng yêu, đáng quý: “Đan lờ cài nan hoa – Vách nhà ken câu hát”.
+ Cuộc sống lao động cần cù và tươi vui: Những nan nửa, nan tre dưới bàn tay tài hoa của người quê mình đã trở thành “nan hoa”. Vách nhà không chỉ ken bằng tre, gỗ mà còn được ken bằng những câu hát si, hát lượn.
+ Các động từ “cài”, “ken” vừa miêu tả chính xác động tác khéo léo trong lao động vừa gợi sự gắn bó, quấn quýt của những con người quê hương trong cuộc sống lao động.
=> Cái “yêu lắm” của “người đồng mình” là gì nếu không phải là cốt cách tài hoa, là tinh thần vui sống? Phải chăng, ẩn chứa bên trong cái dáng vẻ thô mộc là một tâm hồn phong phú, lãng mạn biết bao?
– Con lớn lên từ rừng núi quê hương thơ mộng, nghĩa tình. (4 dòng cuối)
+ Quê hương với những con người tài hoa, tâm hồn lãng mạn,cũng là quê hương với thiên nhiên thơ mộng, nghĩa tình:
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng.
– Hình ảnh “hoa” để nói về cảnh quan của rừng, gợi về những gì đẹp đẽ và tinh tuý nhất.
+ Hoa: có thể là hoa thực – như một đặc điểm của rừng
+ Chính những gì đẹp đẽ của quê hương đã hun đúc nên tâm hồn cao đẹp của con người ở đó. Quê hương còn hiện diện trong những gì gần gũi, thân thương.
– “Con đường cho những tấm lòng”. Điệp từ “cho” mang nặng nghĩa tình. Thiên nhiên đem đến cho con người những thứ cần để lớn, giành tặng cho con người những gì đẹp đẽ nhất. Thiên nhiên đã che chở, nuôi dưỡng con người cả về tâm hồn và lối sống.
– Bằng cách nhân hoá “rừng” và “con đường” qua điệp từ “cho”, người đọc có thể nhận ra lối sống tình nghĩa của “người đồng mình”. Quê hương ấy chính là cái nôi để đưa con vào cuộc sống êm đềm.
– Sung sướng ôm con thơ vào lòng, người cha nói với con về kỉ niệm có tính chất khởi đầu cho hạnh phúc gia đình:
Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.
=> Mạch thơ có sự đan xen, mở rộng: từ tình cảm gia đình mà nói tới quê hương.
=> Đoạn thơ vừa là một lời tâm tình ấm áp, vừa là một lời dặn dò đầy tin cậy của người cha trao gửi tới con.
2. Đánh giá chung
– Giọng điệu thiết tha, trìu mến (thể hiện rõ nhất ở các lời gọi mang ngữ điệu cảm thán, lời tâm tình, dặn dò…)
– Thể thơ tự do, mạch cảm xúc tự nhiên. Xây dựng các hình ảnh cụ thể mà có tính khái quát, mộc mạc mà vẫn giàu chất thơ. Các biện pháp tu từ so sánh, điệp ngữ kết hợp với những câu thơ ngắn dài khác nhau góp phần diễn tả cuộc sống, cách suy nghĩ, cách thể hiện tình cảm của người miền núi.
– Bố cục chặt chẽ, sử dụng nhiều thành ngữ gần gũi, giản dị như lời nói thường ngày của người miền núi.
3. Trò chuyện và thấu hiểu cùng tác phẩm:
– “Mỗi bài thơ hay là một cánh cửa mở cho tôi đi vào một tâm hồn”( Hoài Thanh — Hoài Chân) Vậy nên đọc thơ là ta được trò chuyện, gặp gỡ một tâm hồn đẹp, giàu xúc cảm. Để từ đó chạm đến trái tim ta, để ta được nuôi dưỡng tâm hồn mình thêm phong phú, giàu yêu thương. Đọc tác phẩm hay không chỉ cho ta những thông điệp hay, giá trị sống và bài học trải nghiệm ý nghĩa được cô đọng, hàm súc, chắt chiu và gửi gắm từ tác giả. Đọc một tác phẩm hay còn giúp ta chiêm nghiệm tâm hồn mình, chữa lành những nhỏ nhen, bồi đắp nhận thức, tình cảm, tốt đẹp và gợi nên những hành động đúng đắn.
– Thế nên khi đọc một tác phẩm, chúng ta được đồng sáng tạo cùng với tác giả. Hãy biến những thông điệp hay của tác phẩm thành việc thực hành trong cuộc sống, học tập và làm việc. Đó cũng là cách để tác phẩm sống mãi và việc đọc của chúng ta thêm bổ ích.
III. Kết luận:
– Bài thơ Nói với con được sáng tác theo thể thơ tự do, giọng điệu thiết tha, trìu mến, hình ảnh cụ thể mà có tính khái quát, mộc mạc mà vẫn gợi cảm, giàu chất thơ, cách dẫn dắt tự nhiên : từ tình cảm gia đình mở rộng tình yêu quê hương, từng những kỉ niệm gần gũi thiêng liêng mà nâng lên thành lẽ sống.
– Tìm hiểu và cảm nhận được tình cảm hạnh phúc của gia đình, của người cha giàu tình yêu thương con giúp em hiểu hơn giá trị của tình cảm gia đình. Đọc bài thơ, em thêm trân trọng điểm tựa tinh thần mình đang có và càng mong muốn góp phần bảo vện chiếc nôi hạnh phúc ấy.
– Tình cảm và hạnh phúc gia đình là mục đích sống đầu tiên và cũng là cuối cùng của một con người.