I. MỞ BÀI
Phạm Tiến Duật là nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ. Ông viết nhiều về người lính đặc biệt là những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn. Tiêu biểu là bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”. Bài thơ đã khắc hoạ thành công hình ảnh những chiếc xe không kính và hình ảnh những chiến sĩ lái xe Trường Sơn với tư thế ung dung hiên ngang, bất chấp mọi khó khăn gian khổ, luôn lạc quan yêu đời, có lí tưởng chiến đấu cao đẹp. Đặc biệt tình yêu nước cháy bỏng được thể hiện rõ nét qua hai khổ thơ cuối của bài thơ: (Trích thơ)
II. THÂN BÀI
Nếu như những khổ thơ đầu là hiện thực của khốc liệt chiến tranh làm chiếc xe bị tàn phá nặng nề, méo mó. Từ đó làm toát lên vẻ đẹp dũng cảm hiên ngang, ung dung tự tại, bất chấp gian khổ của người lính lại xe thì đến với hai khổ cuối tình yêu nước được thể hiện sâu sắc, đậm nét.
-Tình yêu nước bắt nguồn từ tình cảm người lính gắn bó nhau như anh em trong một nhà:
“Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm”
Trong giây phút nghỉ ngơi ngắn ngủi, khái niệm gia đình được định nghĩa rất giản đơn “chung bát đũa….gia đình đấy”. Cái định nghĩa về gia đình thật lính, thật tếu mà tình cảm lại rất chân tình, sâu nặng. Họ thoải mái trò chuyện và thân thiện như anh em một nhà để rồi tình cảm thân thương ấy tiếp sức cho họ “lại đi…xanh thêm”. Câu thơ bay bổng phơi phới” thật lãng mạn, thật mộng mơ.
– Bếp Hoàng Cầm, loại bếp dã chiến dùng trong lúc hành quân, được đưa vào thơ rất tự nhiên, gợi lên cái kỉ niệm ấm áp thần ái của tình đồng đội.
– Điệp ngữ “lại đi” khẳng định đoàn xe không ngừng tiến tới, khẩn trương và kiên cường hướng về phía trước. “Trời xanh” là cái xanh của thiên nhiên, của sắc trời nhưng còn là màu xanh của hy vọng, màu xanh của tuổi trẻ.
Khổ cuối:
– Những người lái xe đã họp lại thành tiểu đội xe không kính, nhưng cuộc chiến đấu còn đưa họ đến những cái “không có” khác:
“Không có kính, rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim”
– Hai câu đầu dồn dập những mất mát, khó khăn. Điệp ngữ “không có” như nhân lên thử thách khốc liệt. Hai câu thơ tiếp theo âm điệu đối lập hẳn: trôi chảy, êm ái, nhẹ nhàng. Vậy là đoàn xe vượt lên trên tất cả khó khăn để tiến lên phía trước với một tình cảm thiêng liêng “vì miền Nam”.
– Đặc biệt nhất là hình ảnh “trong xe có một trái tim”, thì ra sức mạnh của đoàn xe là một trái tim gan góc kiên cường, chứa chan tình yêu thương. Đó là tình yêu Tố quốc, tình cảm với miền Nam. Như thế sức mạnh chiến thắng không phải là vũ khí mà là con người. Ở đây trái tim cầm lái điều khiển những chiếc xe không kính. Hình ảnh ẩn dụ “trái tim” thể hiện tình cảm yêu nước lớn lao, dẫu ô cửa trống toang, trái tim vẫn cầm lái vững vàng.
* Tác động đến em:
– Giúp em thấy được cuộc sống chiến đấu gian khổ ở Trường Sơn vô cùng ác liệt, vẻ đẹp của người lính lái xe thời chống Mỹ: dung cảm, yêu nước, lạc quan, tình đồng đội thắm thiết => Bồi đắp trong em tình cảm yêu nước, yêu bạn bè, trân quý hòa bình, yêu cuộc sống hôm nay. Biết ơn sự hi sinh của các thế hệ cha anh, em muốn một lần được đến Trường Sơn, thăm nghĩa trang liệt sĩ để tưởng niệm các chiến sĩ đã hi sinh.
– Hiện tại, em nỗ lực học tập, trau dồi rèn luyện đạo đức, rèn luyện kĩ năng để góp phần xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước.
III. KẾT BÀI:
– Bài thơ có chất giọng rất trẻ, rất lính, sôi nổi, chất giọng ấy bắt nguồn từ tâm hồn phơi phới của người chiến sĩ Việt Nam. Những người có phong thái ung dung, hiên ngang, bất chấp gian khổ luôn tiến lên phía trước.
Bài thơ còn khẳng định phong cách rất riêng của Phạm Tiến Duật: sử dụng ngôn từ, nhạc điệu sáng tạo bất ngờ, hình ảnh chi tiết chọn lọc, giọng thơ ngang tàng nhưng bay bổng lãng mạn.